Nội dung này một lần nữa lại được khẳng định tại hội thảo "Một số vấn đề trong dự thảo Luật phí và lệ phí" do Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Hội thảo nhằm đóng góp, bổ sung vào Dự thảo Luật phí và lệ phí dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sắp tới.
Để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ tài sản phải nộp lệ phí trước bạ. Loại phí này được thu theo tỉ lệ % tổng giá trị tài sản. Theo ước tính, mỗi năm Nhà nước thu về khoảng 15.000 tỉ đồng từ loại phí này. Tuy nhiên, khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản còn phải nộp thêm 100.000 đồng mỗi giấy nếu ở khu vực đô thị. Nhiều ý kiến cho rằng đây là phí chồng phí.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, đã có nhiều thống kê cho thấy các địa phương “đẻ” ra nhiều khoản thu, dẫn đến nông dân đang phải gánh khoảng hơn 1.000 khoản phí và lệ phí. Các lĩnh vực khác như: an toàn vệ sinh thực phẩm 111 khoản thu; quản lý chất lượng nuôi trồng thủy hải sản 183 khoản thu…
PSG.TS Lê Xuân Trường, Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, với các loại phí, lệ phí có trong danh mục của dự thảo luật, khi xuống đến các địa phương, quy định chi tiết ra sẽ vẫn lên đến cả ngàn loại.
Không những thế, các nhà nghiên cứu còn cho rằng, cần phải có những quy định rõ hơn về sự minh bạch tài chính trong các khoản thu của các địa phương, tránh thu lạm thu, thu chồng chéo nhưng người dân lại không rõ các khoản phí ấy được địa phương sử dụng thế nào.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho biết: “Trong pháp lệnh cũ chưa quy định việc phải công khai minh bạch các khoản thu, nên trong luật mới này chúng tôi cũng đề xuất sẽ phải cụ thể hơn về việc công khai minh bạch, hình thức công khai thế nào, cách thức ra sao”.
Các ý kiến tại buổi hội thảo này sẽ được tổng hợp gửi lên Quốc hội. Dự kiến tháng 10 tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật phí và lệ phí.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!