Trong tình hình xuất khẩu có nhiều biến động như hiện nay, nhiều quốc gia nhập khẩu đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe hơn. Dù vậy tình trạng lừa đảo thương mại, lợi dụng các thông tin về xuất nhập khẩu với thủ tục rất tinh vi đã xuất hiện.
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam nhận được yêu cầu từ phía khách hàng Trung Quốc về Giấy chứng nhận đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đăng ký và nộp phí thông qua website. Tuy nhiên, cơ quan chức năng của Việt Nam đã xác nhận đây là thông tin không đúng, doanh nghiệp phải cẩn trọng với các thủ đoạn lừa đảo này.
Xuất khẩu nông sản được vài năm nay, nhưng đến tháng 12 vừa qua doanh nghiệp được đối tác Trung Quốc yêu cầu phải có giấy chứng nhận mã số xuất khẩu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới nhập hàng. Tất cả quy trình cấp giấy đăng ký qua trang web và trả phí trực tuyến.
"Có một số đối tác hỏi chúng tôi có được cấp giấy chứng nhận này khi xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc hay chưa. Chúng tôi thấy băn khoăn về quy trình nên yêu cầu giải đáp thắc mắc từ cơ quan chức năng của Việt Nam", đại diện doanh nghiệp trong sự việc cho biết.
Thời gian qua, tình trạng lừa đảo thương mại qua mạng ngày càng phổ biến.
Hai website www.gacc.app và www.aqsiq.net có dấu hiệu giả mạo và lừa đảo doanh nghiệp khi sử dụng tên viết tắt tiếng Anh của các cơ quan trực thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong địa chỉ website, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp phải trả phí từ 100 - 1.000 USD để đăng ký giấy tờ chứng nhận mã số xuất khẩu sang thị trường này.
"Theo quy định của Hải quan Trung Quốc cũng như theo quy định của Việt Nam không có câu chuyện thu phí của doanh nghiệp về việc cấp mã cũng như việc cấp giấy chứng nhận cho mã này", ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.
Sự việc trên có dấu hiệu lừa đảo nhắm đến các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa nắm rõ các quy định giấy tờ xuất nhập khẩu, thiếu kinh nghiệm phòng ngừa, đối phó với các lừa đảo thương mại quốc tế.
Thời gian qua, tình trạng lừa đảo thương mại qua mạng ngày càng phổ biến và diễn ra ngay cả tại các thị trường lớn.
Theo khảo sát của PwC Việt Nam, năm 2022, có tới 52% số doanh nghiệp Việt Nam cho biết đã từng bị lừa đảo khi tham gia thương mại quốc tế. Con số này cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (46%) và mức trung bình của toàn cầu (49%). Vì vậy, các doanh nghiệp cần thận trọng với những thông tin mới, đồng thời liên hệ với các đầu mối thông tin quản lý xuất nhập khẩu để tránh bị lừa đảo thương mại quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!