Gia tăng lừa đảo thương mại quốc tế: Cần thận trọng trong giao dịch

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 05/08/2023 06:27 GMT+7

VTV.vn - Để tránh được những vụ việc lừa đảo, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ đối tác, nâng cao hiểu biết và lựa chọn các hình thức giao dịch phù hợp.

5 lô hàng hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi giá trị hơn nửa triệu USD xuất khẩu sang Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bị nghi lừa đảo.

Những ngày vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cùng với cơ quan chức năng Dubai đang vào cuộc để sớm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu

Đến nay 4 lô hàng hồ tiêu, quế và điều đã được bên mua lấy ra khỏi cảng, trong khi bên bán là các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa được nhận thanh toán. Còn 1 lô hàng hoa hồi được giữ tại cảng ở Dubai.

"4 công hàng đó hiện nay là khoảng 470.000 USD. Quy mô doanh nghiệp hội viên chúng tôi quy mô rất nhỏ, vốn rất mỏng, phải dựa nhiều vào hỗ trợ ngân hàng. Chúng tôi mong muốn sẽ sớm được xử lý, khống chế thiệt hại xảy ra và bồi thường cho doanh nghiệp Việt Nam", bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, cho biết.

Gia tăng lừa đảo thương mại quốc tế: Cần thận trọng trong giao dịch - Ảnh 1.

Hàng nông sản dễ chia nhỏ để bán và khó truy xuất nguồn gốc, nên luôn được các đối tượng lừa đảo ưa thích. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Bên mua và bên bán đã thực hiện hình thức bảo lãnh thanh toán thông qua ngân hàng. Ngân hàng Ajman đứng ra làm trung gian để thu tiền bên mua, đảm bảo thanh toán cho bên bán. Đến nay, ngân hàng này đã trao bộ chứng từ gốc cho bên mua để lấy hàng, nhưng lại chưa thanh toán cho bên bán. Hiện các cơ quan ngoại giao của Việt Nam đã làm việc với ngân hàng Ajman để sớm đảm bảo quyền lợi thanh toán cho phía doanh nghiệp Việt Nam.

"Thương vụ Việt Nam sẽ trực tiếp làm việc với các cơ quan như cảnh sát, hải quan Dubai, hãng tàu EverGreen và cảng vụ để đề nghị tạm dừng giao container hàng cho bên mua; đồng thời tiếp tục hỗ trợ 4 container điều, tiêu, quế", ông Trương Xuân Trung, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, cho hay.

Lưu ý khi làm ăn với các đối tác ở Dubai

Dubai là thị trường trung gian lớn, là đầu mối cho hàng hóa của nhiều nước đi vào thị trường châu Âu và châu Phi. Hầu như tất cả doanh nghiệp liên quan tới thực phẩm đều có quan hệ với các đầu mối giao thương ở đây. Theo Vụ Thị trường châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương, gần đây tình trạng lừa đảo tại thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước.

Dubai vốn là mảnh đất lao động nước ngoài chiếm tới 90% dân số. Trong đa phần các vụ việc, đối tượng lừa đảo thường là người nước ngoài làm ăn tại Dubai, hoặc chỉ đăng ký trụ sở, làm thủ tục kinh doanh tại Dubai để lấy danh nghĩa rồi lừa đảo.

Theo điều tra, các vụ việc lừa đảo thời gian qua tại Dubai có thể xảy ra ở mọi mặt hàng, từ thiết bị điện tử, vật liệu xây dựng, hàng gia dụng... Tuy nhiên xuất khẩu nông sản hay là nạn nhân, bởi sau khi lấy được hàng, các đối tượng lừa đảo phải lập tức tẩu tán, bán lại cho bên thứ 3. Hàng nông sản dễ chia nhỏ để bán và khó truy xuất nguồn gốc, nên luôn được các đối tượng lừa đảo ưa thích.

Để tránh được tối đa những vụ việc lừa đảo, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ để chắc chắn rằng mình đang làm ăn với đối tác uy tín. Khi kiểm tra các giấy tờ của đối tác, các doanh nghiệp cũng phải lưu ý xem công ty đã thành lập được bao nhiêu năm, nếu công ty chỉ mới lập được một vài tháng thì không loại trừ công ty ấy chỉ được lập ra để lừa đảo. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ, đặc biệt với các hợp đồng lớn, bởi đã từng có một số trường hợp, đối tượng tìm mua được cả những công ty đã hoạt động lâu năm tại Dubai để thực hiện lừa đảo. Với các hợp đồng lớn, các doanh nghiệp cần kiểm tra qua cả các kênh khác, cũng như cần bảo lãnh thanh toán từ ngân hàng. Việt Nam có cơ quan thương vụ tại Dubai. Phòng Thương mại Công nghiệp Dubai cũng vừa lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các doanh nghiệp có thể xin tư vấn.

Các rủi ro về giao thương quốc tế

Trong bối cảnh khó khăn về thị trường, đơn hàng giảm mạnh trên toàn cầu, có được những đơn hàng xuất khẩu mới, số lượng lớn, ở những thị trường lớn, đó là niềm vui của doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu mất cảnh giác hoặc thiếu thông tin, kinh nghiệm trong giao dịch với các đối tác thì sẽ gây cho các doanh nghiệp thiệt hại lớn.

Theo kết quả khảo sát từ PwC Việt Nam, năm 2022, 52% số doanh nghiệp Việt Nam được hỏi từng bị lừa đảo thương mại quốc tế, nghĩa là cứ 2 doanh nghiệp thì 1 doanh nghiệp từng đối mặt với lừa đảo giao dịch quốc tế hoặc tội phạm kinh tế.

Thương vụ Việt Nam tại Canada cảnh báo các doanh nghiệp cần cẩn trọng xác minh thật kỹ khi xuất khẩu sang thị trường này. Hiện đang có các đối tượng giả mạo là các doanh nghiệp lớn của Canada để lừa đảo đặt hàng.

Năm ngoái, trong vụ lừa đảo 100 container điều trị giá 20 triệu USD xuất khẩu sang Italy, nhờ có sự vào cuộc quyết liệu của cơ quan chức năng cả Việt Nam và Italy nên doanh nghiệp đã kịp thời lấy lại được hàng.

Cũng trong năm 2022, một doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sang Algeria 5 container hạt điều qua trung gian là một doanh nghiệp đặt tại Nam Phi. Tuy nhiên, khi hàng đến cảng của Algeria, khách hàng không thể làm thủ tục thông quan. Công ty này bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách các doanh nghiệp gian lận thương mại trước đó.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, những thủ đoạn lừa đảo trong giao thương rất đa dạng, như: giao hàng không trả tiền; làm giả giấy tờ (thậm chí là giấy tờ ngân hàng) để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu; xâm nhập vào email của 2 bên doanh nghiệp đang có giao dịch để theo dõi tiến trình đàm phán.

Theo Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, trong nhiều vụ việc lừa đảo, gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu hàng hóa, đáng tiếc nhất, các thương nhân Việt Nam thường là bên chịu phần thiệt hại nhiều hơn. Việt Nam là một trong quốc gia chủ động hội nhập kinh tế, khi cơ bản định hình mạng lưới gồm 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, khi sân chơi ngày một lớn, cũng là khi doanh nghiệp Việt đối mặt với những rủi ro muôn hình vạn trạng hơn. Vì vậy, bản thân doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết và lựa chọn các hình thức giao dịch phù hợp, sự tham gia những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp phần nào sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro.

5 lô hàng nông sản nghi bị lừa đảo: Thương vụ Việt Nam tại UAE vào cuộc 5 lô hàng nông sản nghi bị lừa đảo: Thương vụ Việt Nam tại UAE vào cuộc

VTV.vn - Hiện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại UAE đã phải vào cuộc để đi "đòi hàng", "đòi tiền" cho các doanh nghiệp khi gặp những rủi ro trong xuất khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước