Nhiều rủi ro khi giao dịch thương mại quốc tế
Thị trường quốc tế đang khó khăn, các doanh nghiệp xuất khẩu đang rất cần đơn hàng. Thế nên khi nhận được lời đề nghị từ nước ngoài, nhất là từ các thị trường vốn nổi tiếng uy tín như châu Âu - Mỹ, không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có lẽ vì mừng mà chủ quan quên mất sự thận trọng cần có trên thương trường. Điều này dẫn tới sơ hở khi tiếp cận, vướng phải những rủi ro về đối tác thương mại hoặc vấn đề về pháp lý.
Thương vụ Việt Nam tại Canada ghi nhận thời gian qua số vụ giao dịch rủi ro với doanh nghiệp Canada bình quân 10 vụ/tháng, liên quan đến việc doanh nghiệp Canada yêu cầu chứng chỉ không có thật. Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan thì cảnh báo doanh nghiệp Việt cần cảnh giác khi giao dịch qua mạng đối với các sản phẩm xăng dầu.
Còn tại Tây Ban Nha, làm việc với doanh nghiệp tiêu và điều của Việt Nam, xuất hiện những đối tác viện lý do hàng không bảo đảm chất lượng, hoặc giá thị trường sụt giảm nhanh để chậm trễ, chây ì trong thanh toán tiền hàng.
Bộ Công Thương cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam thận trọng giao dịch xuất nhập khẩu với đối tác quốc tế.
Gần đây, liên tiếp các vụ việc lừa đảo thương mại quốc tế được Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cảnh báo. Ảnh minh họa.
Vụ việc mới đây nhất Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan vừa cảnh báo những trường hợp lừa đảo qua mạng, đặc biệt đối với các sản phẩm xăng dầu tại thị trường này. Nhiều người vẫn tin tưởng rằng Hà Lan là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín. Một số doanh nghiệp khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn nên đã tiến hành gấp sợ mất cơ hội nên không kiểm tra kỹ thông tin về đối tác.
Còn với các doanh nghiệp tỉnh táo, có ý định xác minh tư cách pháp nhân thì họ cung cấp thông tin qua sao chép dữ liệu giấy phép đăng ký kinh doanh trích xuất từ cơ quan có thẩm quyền hoặc cho phép các doanh nghiệp tiến hành xác minh trực tiếp bởi bên thứ ba độc lập nhưng thực tế không thể xác minh vì không có thật.
Liên quan tới việc vừa qua tại Hà Lan có phát hiện và cảnh báo về một số trường hợp lừa đảo ở Rotterdam, bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan cho biết: "Ngay sau khi nhận được yêu cầu từ doanh nghiệp Việt Nam về xác minh một doanh nghiệp cho thuê bồn chứa dầu diesel tại khu vực cảng Rotterdam, Thương vụ đã tiến hành những bước xác minh ban đầu và phát hiện ra là doanh nghiệp được cung cấp bởi doanh nghiệp Việt Nam chỉ là kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường bộ, không hề liên quan gì đến cái bồn chứa xăng dầu của khu vực cảng Rotterdam".
Sau đó Thương mại Việt Nam tại Hà Lan cũng đề nghị cảng Rotterdam xác minh sâu thêm, phát hiện ra trang web mà đối tượng cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam là trang web hoàn toàn giả mạo, với những hình ảnh và nội dung là được cắt ghép từ doanh nghiệp có thật đang hoạt động cái dịch vụ này tại cảng Rotterdam.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp cũng cho biết, thời gian gần đây, nhu cầu xăng dầu tăng cao do lệnh cấm vận từ nhập khẩu dầu diesel từ Nga của Mỹ và phương Tây thì rộ lên rất nhiều các vụ việc lừa đảo. Cảng Rotterdam là đưa ra danh sách gồm những cái trang web giả mạo và những công ty đang có thật tại cảng Rotterdam kinh doanh dịch vụ này. Danh sách đang tiếp tục được cập nhật và hiện có tới 800 trang web giả mạo.
Thương mại Việt Nam tại Hà Lan cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam nên cẩn trọng, đề nghị là có những cái bước xác minh cần thiết ban đầu, chẳng hạn như gọi video call để biết mặt đối tác hoặc là yêu cầu đối tác cung cấp những cái thông tin về pháp lý mà có công chứng. Nếu phát hiện ra số điện thoại di động hoặc có số trên nền tảng Internet thì đây là dấu hiệu đáng nghi ngờ và cần xác minh thêm. Đặc biệt là doanh nghiệp có thể là yêu cầu Thương vụ hỗ trợ trong việc xác minh các đối tác tại Hà Lan để ngăn chặn nguy cơ vụ việc lừa đảo tiếp tục xảy ra.
Thận trọng trong giao dịch thương mại quốc tế
Trong bối cảnh khó khăn về thị trường, lượng các đơn đặt hàng trên toàn cầu giảm mạnh, có được những đơn hàng xuất khẩu mới, số lượng lớn, ở những thị trường lớn đó là niềm vui của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu mất cảnh giác hoặc thiếu thông tin, kinh nghiệm trong giao dịch với các đối tác thì sẽ gây cho các doanh nghiệp thiệt hại lớn như những vụ việc đáng tiếc đã từng xảy ra.
Trong ngành nhôm, các rủi ro giao dịch thương mại quốc tế thường xảy ra khi nhập khẩu nguyên vật liệu. Hai rủi ro thường gặp là: Không xác minh được đối tác; Đối tác giả mạo website của đơn vị uy tín, chỉ khác số tài khoản.
Khi doanh nghiệp chuyển tiền xong thì đối tác biến mất, không nhận được hàng, hoặc thậm chí nhận hàng là container chất thải môi trường và phải chịu thêm chi phí xử lý môi trường và mất thời gian kiện tụng.
Các doanh nghiệp cần thận trọng trong giao dịch thương mại quốc tế. Ảnh minh họa.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, một thủ đoạn mới doanh nghiệp cần cẩn trọng trong thương mại quốc tế là các tin tặc có thể xâm nhập hệ thống thư điện tử của doanh nghiệp để mạo danh giao dịch và sửa thông tin tài khoản ngân hàng trên hóa đơn. Doanh nghiệp cần cảnh giác vì các công ty tại châu Âu - Mỹ hầu như không thay đổi số tài khoản ngân hàng, kể cả khi đổi chủ.
Ngân hàng cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp xác minh tài khoản đối tác, lịch sử tín dụng có uy tín hay không. Bên cạnh đó, các giải pháp thanh toán chặt chẽ từ hệ thống ngân hàng phần nào tháo gỡ những rủi ro trong khâu quan trọng này.
Với quy mô xuất, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam ước đạt gần 700 tỷ USD, chi phí cho giao dịch thương mại quốc tế là rất lớn. Các ngân hàng cũng lên giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản quy trình và thủ tục thanh toán quốc tế, để doanh nghiệp không ngần ngại khi sử dụng các công cụ thanh toán.
Về giải pháp từ phía cơ quan nhà nước, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện.
Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, tăng cường bồi dưỡng kiến thức thương mại, tài chính quốc tế, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong giao dịch thương mại quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!