Cẩn trọng với chiêu trò "bơm" giá vàng cận ngày vía Thần Tài

Theo Dân trí-Thứ năm, ngày 18/02/2021 16:28 GMT+7

VTV.vn - Chuyên gia về thị trường vàng cho rằng, giá vàng năm nay diễn biến hết sức khó lường, người mua vàng ngày vía Thần Tài nên cẩn trọng.

Theo một chuyên gia (đề nghị giấu tên) từ Hiệp hội kinh doanh vàng, diễn biến giá vàng trong giai đoạn Tết âm và trước ngày vía Thần Tài năm nay không quá đặc biệt. Do sức tăng của giá vàng trong năm 2020 đã quá cao nên việc tăng giá vàng đột biến trong ngày vía Thần Tài có thể không xảy ra.

Cẩn trọng với chiêu trò bơm giá vàng cận ngày vía Thần Tài - Ảnh 1.

Giá vàng cận ngày vía Thần Tài năm 2021 có thể không biến động mạnh, do mất lực tăng.

"Nhiều người cho rằng, dịch bệnh gia tăng, cầu mua vàng nhiều, lãi suất ngân hàng thấp... sẽ khiến giá vàng tăng cao, phá đỉnh. Tuy nhiên, tôi để ý từ sau đợt tăng mạnh nhất, đạt trên 62 triệu đồng/lượng, đến nay chưa có khả năng hồi phục, thị trường diễn biến đi ngang hoặc giảm giá" - vị chuyên gia cho hay.

Cũng theo vị này, các đợt giá vàng tăng từ tháng 9 đến nay không đáng kể, tăng nhanh, giảm nhanh do các tay buôn lớn chốt lời.

Hiện, giá vàng trong nước chênh với giá thế giới hơn 7,5 triệu đồng/lượng. Theo vị chuyên gia trên, sự chênh lệnh này phản ánh hai khả năng: Một là, có thể sẽ có hiện tượng giá vàng trong nước tăng cao hơn nữa, bỏ xa giá vàng thế giới. Hai là, giá vàng trong nước sẽ hạ nhiệt, bằng với giá vàng thế giới.

Cẩn trọng với chiêu trò bơm giá vàng cận ngày vía Thần Tài - Ảnh 2.

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang rất cao, nhiều rủi ro và nguy cơ đối với người đầu cơ vàng theo đám đông, theo cảm tính.

"Năm 2020, giá vàng trong nước tăng phi mã bởi chịu ảnh hưởng tăng nóng của giá vàng thế giới. Thứ 2 là do dịch bệnh COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu tổn thương, các nước lớn chưa tìm ra vắc xin và thế giới hỗn loạn chưa định hình được. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, thế giới đã tìm ra vaccine nên đại dịch COVID-19 không còn tạo dư chấn nặng nề đối với thế giới như trước kia" - vị chuyên gia cho biết.

Đặc biệt, các nền kinh tế tăng trưởng chậm, các nước lớn tăng trưởng âm, chỉ số sản xuất công nghiệp, đặc biệt các ngành công nghệ cao, hiện đại bị giảm sản xuất khiến nhu cầu về vàng giảm sút.

Việc đầu cơ vàng trong năm 2021 cũng khó đạt được trạng thái đỉnh như các năm. Thực tế chứng minh, giá vàng thế giới trong 4 tháng qua dù có các điều kiện giống như năm 2020, nhưng vẫn không bật tăng mạnh được.

Trong năm 2020, ngày Tết, ngày vía Thần Tài, giá vàng trong nước có chu kỳ tăng rất mạnh và vẫn neo ở giá cao đến cuối năm. Có thời điểm, giá vàng trong nước tăng cao nhất, lên đến hơn 62 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, giá vàng trong giai đoạn tăng giá cao thường chênh lệch giá bán ra và mua vào rất lớn, có thời điểm gần 1,2 triệu đồng/lượng. Mức độ rủi ro cho người mua vào và có lợi cho các sàn vàng.

Cẩn trọng với chiêu trò bơm giá vàng cận ngày vía Thần Tài - Ảnh 3.

Năm nay, có thể giá vàng sẽ không tăng hàng chục triệu đồng/lượng so với năm trước - thời điểm giá vàng tăng tới hơn 62 triệu đồng/lượng, nên nhiều khả năng vàng không được xem là kênh đầu tư lợi tức cao.

Thời điểm từ tháng 12/2020 đến hiện nay, chênh lệch giá bán và mua vào hiện không cao. Thời điểm sáng ngày 18/2, chênh lệch giá bán và mua chỉ 550.000 đồng/lượng, mức chênh lệch không quá cao.

Theo vị chuyên gia từ Hiệp hội kinh doanh vàng, mức chênh lệch này phản ánh hai vấn đề: Cung vàng trong nước đang dồi dào, các sàn vàng vẫn chủ động được nguồn hàng. Thứ hai là cho thấy nhu cầu đầu tư vàng hiện nay không phải là duy nhất, giá vàng ở mức cao nên lợi tức không còn hấp dẫn nhiều người.

Đặc biệt, việc giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới từ 6 - 7,5 triệu đồng/lượng trong các ngày qua có thể khiến nhiều người lo ngại rủi ro giá vàng biến động đi xuống nhiều hơn so với đi lên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước