Cẩn trọng với tin đồn thị trường chứng khoán

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 10/11/2022 20:25 GMT+7

VTV.vn - Trước thông tin không đúng sự thật gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần bình tĩnh trước khi đưa ra quyết định, tránh phải chịu thiệt hại.

Trong phiên giao dịch chứng khoán chiều nay (10/11) đã xuất hiện tin đồn lan truyền về việc 2 sàn HOSE và HNX của Việt Nam không còn tên trong danh sách thành viên Liên minh Sở Giao dịch Chứng khoán Thế giới (WFE). Tin đồn cho rằng đây sẽ là cơ sở để vốn ngoại rút khỏi Việt Nam.

Sau thông tin này, VN-Index có thời điểm giảm gần 50 điểm so với giá mở cửa, chỉ tới khi cuối phiên thông tin được xác minh cũng là lúc đà giảm thu hẹp, giúp chỉ số kết phiên ở mức 947,24 điểm.

Ngay trong chiều nay, đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã khẳng định thông tin này là sai sự thật. Rõ ràng, thời gian qua, không ít doanh nghiệp niêm yết và chính những nhà đầu tư cá nhân đã trở thành nạn nhân của các loại tin đồn thất thiệt làm không chỉ ảnh hưởng tâm lý, mà thậm chí phải chịu thiệt hại không hề nhỏ.

Như Công ty Cổ phần Thế giới di động, cổ phiếu của doanh nghiệp đã giảm điểm liên tục từ ngày 28/10 đến nay sau khi xuất hiện tin đồn trên một số hội nhóm mạng xã hội thông tin không đúng về các khoản đầu tư ngắn hạn của doanh nghiệp.

"Những thông tin thất thiệt như vậy nó làm xáo trộn hoạt động của công ty, cũng như ảnh hưởng đến niềm tin của cổ đông và đối tác. Cũng như là gây ra những sự hoang mang cho nội bộ công ty", ông Đặng Thanh Phong - Phụ trách Truyền thông Công ty Cổ phần Thế giới di động cho biết.

Cẩn trọng với tin đồn thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Trong bối cảnh 90% dòng tiền trên thị trường thuộc về các nhà đầu tư cá nhân, với nhiều cảm xúc nhưng lại ít công cụ phân tích bài bản, tin đồn thất thiệt đôi khi tạo hiệu ứng tâm lý đám đông, gây ra những tác động rất lớn đến thị trường chung.

Ông Nguyễn Minh Hoàng - Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt cho hay: "Một số doanh nghiệp khi cổ phiếu bị bán quá nhiều thì cổ phiếu đó bị bán mạnh, ngay cả những chủ doanh nghiệp - những nhà đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp đó cũng bị bán giải chấp".

Ông Nguyễn Duy Khoa - nhà đầu tư cá nhân này đã trải qua gần 20 năm trên thị trường chứng khoán. Tin đồn với ông trở thành một phần không thể tránh khỏi trên thị trường, quan trọng là cách ứng xử như thế nào.

Ông Khoa nói: "Bản thân tôi thu nạp trong đầu hàng ngày mấy chục thông tin tin đồn ngoài thị trường. Có những thông tin tôi chỉ lướt qua tôi biết được đây là thông tin không chính thống, nhằm mục đích gì đưa ra thị trường, tôi không đọc nữa".

Ông Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Smart Invest cho rằng: "Doanh nghiệp cũng nên có những buổi công bố, trao đổi thông tin với cổ đông, với các đối tác về các câu chuyện diễn ra trên thị trường. Có lẽ trước đây các doanh nghiệp, tổ chức sẽ không quan tâm đâu, nhưng khi nó trở thành một làn sóng thì cần làm sao để ngấm dần cho nhà đầu tư hiểu là những tin đồn đó là không có căn cứ".

Để khắc phục tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp trong kiểm tra, xác minh, điều tra và truy vết. Tăng cường đổi mới công nghệ trong công tác rà quét, phân tích dữ liệu, nhằm phát hiện kịp thời nguồn phát tán thông vi phạm để có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Ngăn chặn tin đồn sai sự thật

Cẩn trọng với tin đồn thị trường chứng khoán - Ảnh 2.

Theo quy định hiện hành, bên cạnh mức phạt hành chính 10 - 20 triệu đồng, nếu vi phạm một trong các trường hợp có tổ chức; lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… thì có thể bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm. Những hình phạt đủ sức răn đe chắc chắn cũng sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu để chặn đứng tin đồn ngay từ chiếc domino đầu tiên.

Bà Lê Thị Việt Nga - Chánh Thanh tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: "Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến nghị nhà đầu tư không đưa thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng vì điều này dẫn đến vi phạm pháp luật Nhà nước và sẽ bị xử lý theo quy định. Ngoài ra, nếu đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật gây hậu quả, thiệt hại lớn cho tổ chức cá nhân có thể bị xử lý hình sự".

"Chúng tôi cũng đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ cả trong và ngoài nước để có biện pháp lọc, gỡ bỏ những thông tin sai sự thật. Thứ hai là truy tìm những đối tượng phát tán những thông tin sai sự thật và thu thập các thông tin tài liệu để làm việc, xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật", Trung tá Triệu Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an nói.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh, sẽ cương quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Đặc biệt, Thủ tướng cương quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân tung tin giả, sai sự thật nhằm phá hoại Đảng, Nhà nước, phá hoại nền kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước