Chiếm đến hơn 67% thị phần container xuất nhập khẩu khu vực phía Nam, câu chuyện ùn tắc của cảng Cát Lái đang tác động lớn đến hoạt động xuất nhập của nhiều doanh nghiệp.
Các chính sách hỗ trợ di dời container sang cảng ICD xung quanh, thủ tục hải quan, chỉnh sửa vận đơn, áp dụng công nghệ trực tuyến... là nội dung chính trong buổi làm việc trực tuyến giữa doanh nghiệp vận hành cảng với 1.500 doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đánh giá, dù tình hình đã được kiểm soát, nhưng vẫn lo ngại hiệu ứng "domino" dịch chuyển chuỗi sản xuất. Doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn các kịch bản để ứng phó với diễn biến dịch.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đánh giá, nhờ những giải pháp kịp thời, đã hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh các thủ tục giao nhận.
Cảng Cát Lái. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Về dài hạn, doanh nghiệp vận hành cảng sẽ chuyển các dịch vụ phụ trợ ra ngoài, tăng năng suất tiếp nhận tàu, tiếp nhận hàng, số hóa quy trình giao nhận. Tuy nhiên, dư địa bãi chứa của các cảng trong cụm cảng biển khu vực Đông Nam Bộ cũng chỉ tương đương 35% so với dung lượng của cảng Tân Cảng - Cát Lái. Nguy cơ ùn ứ vẫn có thể xảy ra.
"Giải pháp căn cơ hiện nay là tăng sức khỏe cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất có thể tái sản xuất trở lại và các doanh nghiệp đang thực hiện 3T vẫn duy trì tốt hoạt động", Trung tá Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, nhận định.
Ngoài các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cảng Cát Lái vẫn đang duy trì việc chuyển hàng container tồn đọng trên 90 ngày sang Tân Cảng Hiệp Phước. Doanh nghiệp này cũng kêu gọi các hãng tàu, khách hàng chia sẻ, phối hợp hoạt động, cùng cảng Cát Lái đảm bảo thông suốt, đảm bảo chuỗi cung ứng được liên tục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!