Cứ 2 doanh nghiệp Việt Nam được hỏi thì 1 doanh nghiệp cho biết đã từng có trải nghiệm bị lừa đảo thương mại quốc tế hoặc tội phạm kinh tế. Đây là thống kê từ hãng kiểm toán PwC Việt Nam. Một con số thực sự đáng báo động. Nguyên nhân chính là do đâu? Có giải pháp nào để phòng tránh trước khi những tổn thất nặng nề?
Cùng nhìn lại vụ việc 76 container hạt điều xuất khẩu sang Italy. Dù đã có sự vào cuộc của Chính phủ 2 nước thì vẫn mất đến gần nửa năm, vụ việc mới được xử lý cơ bản thành công. Từ chỗ tưởng như sẽ mất trắng hàng trăm tỷ đồng, các doanh nghiệp đã không mất một container nào vào tay những kẻ lừa đảo.
Phân loại nhân hạt điều tại một nhà máy. (Ảnh: TTXVN)
Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế
Hồi đầu năm, 33 container hạt điều trị giá 162 tỷ đồng của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Italy bị phía đối tác nhập khẩu lừa đảo, chiếm đoạt. Nhờ sự can thiệp của chính phủ và các cơ quan chức năng, vụ việc mới được giải quyết, doanh nghiệp mới lấy lại được hàng.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết: "Các doanh nghiệp cũng cần rút ra bài học cho mình, đó là cần chia sẻ thông tin đối với hiệp hội ngành nghề, để hiệp hội có thể chia sẻ cho những thông tin xác đáng hơn, ví dụ như thông tin của người mua, thông tin của thị trường, qua đó làm cơ sở giúp cho doanh nghiệp cân nhắc có nên ký hợp đồng hay không".
Tại Việt Nam, thống kê cho thấy các doanh nghiệp bị vướng mắc trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, là do chưa chú trọng các biện pháp chống lừa đảo. Ngay cả khi bị lừa đảo, tỷ lệ các doanh nghiệp báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước là rất thấp bởi tâm lý lo ngại thông tin bị lộ, lọt ra công chúng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định: "Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường ít kinh nghiệm, ít có người có năng lực, có trình độ trong lĩnh vực thương mại quốc tế cho nên dễ bị dẫn dắt, dễ bị chi phối, dễ bị lừa đảo hơn. Cái khó nhất là thường bị lòng tin mới bị lừa, vì thế, chúng ta phải thẩm định, phải đánh giá xem xét thông tin ấy nó như thế nào, cơ sở như thế nào để chúng ta tin cậy".
Thống kê của Hiệp hội chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu cho thấy, các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo, giá trị trung bình mỗi vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Sự thiệt hại qua mỗi vụ lừa đảo là không nhỏ, để hạn chế những rủi ro trong thương mại quốc tế, việc thay đổi các phương thức giao dịch, sử dụng những biện pháp phòng ngừa là yêu cầu được đặt ra.
Tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông, châu Phi..., thời gian qua các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã phát đi cảnh báo về tình trạng các doanh nghiệp của chúng ta trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo, tranh chấp thương mại. Một số trường hợp được chỉ ra như: doanh nghiệp đối tác nhận hàng nhưng không trả tiền; hay làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng cho tới bán hàng không giá trị, kém chất lượng.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, cũng như để có thêm góc nhìn về tình trạng lừa đảo, tranh chấp thương mại mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt khi đi ra thế giới, phóng viên chương trình Vấn đề hôm nay đã kết nối với phóng viên Anh Phương, thường trú Đài THVN tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Anh Anh Phương có thể cho biết tình trạng lừa đảo trong thương mại và các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất là như thế nào?
Phóng viên Anh Phương: Theo các thông tin mà chúng tôi có được, trong 6 tháng đầu năm nay, có ít nhất 22 vụ việc các doanh nghiệp Việt Nam đã vấp phải tình trạng lửa đảo, hoặc tình nghi bị lừa đảo khi làm ăn với các doanh nghiệp tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, đặc biệt là tại Dubai. Cũng cần phải nhấn mạnh là các doanh nghiệp của chúng ta vẫn đang làm ăn tốt, kiếm lợi nhuận tại thị trường này, số doanh nghiệp bị lừa đảo chỉ là chiếm thiểu số. Tuy nhiên, ít nhất 22 vụ việc trong 6 tháng đầu năm, tức là trung bình trên dưới 1 tuần lại có một doanh nghiệp phải đối mặt với các vụ việc lừa đảo và tranh chấp thương mại đây, điều này cho thấy hàng hóa Việt Nam càng vươn khơi thì cũng sẽ ngày càng có nhiều vấn đề chúng ta phải đối mặt và lường trước.
Anh có thể cho biết nguyên nhân thường đến từ đâu? Và nếu xảy ra tranh chấp, luật pháp của Trung Đông có những quy định gì để doanh nghiệp Việt có thể lấy lại tiền, hàng?
Phóng viên Anh Phương: Nguyên nhân là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất hay Dubai là một thị trường có độ mở rất cao. Đất nước này luôn muốn khẳng định vị thế của mình là thị trường trung chuyển lớn nhất tại Trung Đông - Châu Phi. Chính vì thế các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đều được tạo điều kiện tới đây làm ăn buôn bán. Thủ tục thành lập doanh nghiệp khá dễ dàng, tức là cũng đang có một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp đến từ một nước thứ 3 nào đó, chỉ tới Dubai lập trụ sở, nhằm tạo danh tiếng thôi. Niềm tin rằng đã hoạt động tại Dubai thì phải là doanh nghiệp nhiều tiềm năng trong một số trường hợp đã biến doanh nghiệp Việt Nam trở thành nạn nhân của lừa đảo.
Các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua bị lừa đảo đa phần do không chọn hình thức thanh toán LC, tức là có bảo đảm thanh toán từ ngân hàng mà chấp nhận bán hàng rồi mới nhận tiền theo điện chuyển khoản TT, để rồi đến lúc không liên lạc được với đối tác mới vỡ lẽ mình bị lừa. Luật pháp tại đây cũng có những quy định khá rõ ràng để ngăn chặn lừa đảo thương mại. Nhưng nhiều trường hợp, chính quyền lại có xu hướng xem vụ việc trước hết là tranh chấp thương mại đã. Họ đề nghị doanh nghiệp trước hết tìm tới các quan giải quyết tranh chấp để xác định rõ bản chất vụ việc là như thế nào đã. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam khi đã bị lừa rồi cũng sẽ phải trải qua một quá trình dài, phức tạp và đôi khi cũng rất tốn kém nữa, may ra mới đòi lại được tiền hay hàng. Nâng cao cảnh giác, làm ăn cẩn thận ngay từ đầu có thể xem là biện pháp an toàn duy nhất.
Tiền trong túi của mình, hàng trong kho của mình, vậy nên khi doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia các giao dịch thương mại quốc tế, lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định. Đối tác có uy tín, thương hiệu làm ăn lâu năm thì dù giá có tăng, giảm thì họ vẫn tin tưởng hợp tác. Đôi khi có đối tác mới xuất hiện thường sẽ có những miếng mồi béo bở để dụ các doanh nghiệp như ưu đãi về giá cả, chiết khấu, rồi đi kèm với hàng loạt hứa hẹn… Chủ quan, ham lợi dẫn đến cẩu thả trong thanh toán thì nguy cơ tiền mất, tật mang là rất cao. Việc sử dụng dịch vụ của những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp về các thông tin doanh nghiệp phần nào sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro. Việt Nam đang có thế mạnh về hoạt động xuất nhập khẩu với việc tham gia 15 hiệp định thương mại tự do.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 23/8 với khách mời là ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký - Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn đón xem!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!