Cạnh tranh trên thị trường văn phòng chia sẻ: Liệu có khốc liệt?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 17/10/2018 11:15 GMT+7

VTV.vn - Mới du nhập vào Việt Nam ít lâu nhưng thị trường văn phòng chia sẻ Co-working Space đã phát triển rất nhanh tại Hà Nội, TP.HCM.

Theo thống kê của một số đơn vị nghiên cứu thị trường, thị phần văn phòng chia sẻ vẫn đang nghiêng về phía các doanh nghiệp nội. Tuy nhiên, "cuộc chơi" có thể sẽ thay đổi khi thời gian tới, WeWork - startup lớn thứ ba tại Mỹ chỉ sau Uber và Airbnb - chuyên về mảng văn phòng chia sẻ sẽ gia nhập Việt Nam.

Theo ghi nhận của phóng viên VTV, tại một trong những không gian làm việc chung đầu tiên tại Việt Nam được cho là hội tụ nhiều tiện ích nhưng diện tích chỉ vỏn vẹn với 700m2. Diện tích này được đánh giá là còn quá nhỏ, khi trên thế giới diện tích trung bình của một không gian làm việc chung phải từ 2.000 - 5.000m2.

"Trước đây và hiện nay, những nhà làm mô hình không gian làm việc chung ở Việt Nam thường tập trung vào mô hình khá nhỏ, diện tích chỉ khoảng 500 - 700m2. Diện tích này không đúng với xu hướng của thế giới", ông Nghiêm Xuân Thắng - Giám đốc Điều hành không gian làm việc chung Cogo - cho biết.

Cạnh tranh trên thị trường văn phòng chia sẻ: Liệu có khốc liệt? - Ảnh 1.

Một trong những không gian làm việc chung đầu tiên tại Việt Nam.

Theo thống kê của CBRE, tổng diện tích văn phòng chia sẻ của Việt Nam hiện nay khoảng 30.000m2 - 35.000m2 sàn. Cuối năm nay, Wework - một ông lớn trong lĩnh vực khởi nghiệp bất động sản - dự kiến sẽ đưa vào hoạt động không gian làm việc chung có diện tích khoảng 5.000m2 tại TP.HCM. Theo đó, vị "đại gia" này sẽ chiếm đến 1/7 số diện tích văn phòng chia sẻ đang có tại Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp việt Nam khẳng định, dù quy mô còn khá nhỏ hẹp nhưng lại có thế mạnh riêng.

Ông Đỗ Sơn Dương - Sáng lập viên, Giám đốc Điều hành không gian làm việc chung Toong - nói: "Quan điểm của chúng tôi là không đối đầu với Wework. Mỗi doanh nghiệp hãy tập trung vào giá trị cốt lõi của mình, làm sắc bén nó và hiện thực hoá hơn là tìm cách quay ra đối đầu lẫn nhau".

Các chuyên gia cho biết, trong lĩnh vực văn phòng chia sẻ, doanh nghiệp ngoại có thể mạnh về vốn và kinh nghiệm nhưng doanh nghiệp Việt lại thấu hiểu thị trường trong nước.

Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc CBRE Hà Nội - cho biết: "Các doanh nghiệp Việt có hiểu biết rất tốt liên quan đến chủ nhà, vị trí thu hút khách thuê tốt, cũng như hiểu biết về nhu cầu của khách thuê tại Việt Nam".

Cũng theo đại diện CBRE, khoảng 1 năm trở lại đây, số lượng đơn vị kinh doanh văn phòng chia sẻ ở Việt Nam tăng đột biến từ 17 lên gần 40 hãng, trong đó doanh nghiệp Việt đang chiếm áp đảo, khi chỉ có 2 đơn vị vận hành nước ngoài. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng trung bình 50%/năm, không gian làm việc chung tại Việt Nam hứa hẹn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn trong mắt doanh nghiệp nước ngoài. Một cuộc chiến dài hơi và khó tiên lượng sẽ sớm diễn ra tại Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước