Nông dân Ireland đã rất lo lắng khi theo dõi Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) diễn ra trong 2 tuần qua tại Ba Lan vì theo một tờ báo của nước này các đề xuất từ Hội nghị COP24 có thể gia tăng áp lực lên nông dân. Nông dân đứng trước nguy cơ thiệt hại, đặc biệt là ngành nuôi bò lấy sữa và lấy thịt do "tiếng xấu" về mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà khoa học nước này ước tính, sản xuất 1kg thịt bò sẽ sản sinh ra 19kg CO2, nhân lên với sản lượng thịt bò hàng năm của Ireland, lượng khí thải là không nhỏ.
Ireland là 1 trong 4 nước châu Âu có mức độ phát thải khí nhà kính nhiều hơn so với thời kỳ những năm 1990. Theo tờ Người độc lập, ông Phil Hogan - Cao ủy Nông nghiệp và phát triển nông thôn của Liên minh châu Âu (EU) - nhấn mạnh sản xuất nông nghiệp tính chung cả châu Âu chỉ đóng góp 10% lượng khí thải, trong khi tỷ lệ này ở Ireland lên tới 33%. Bài báo có tiêu đề "Ngành công nghiệp thực phẩm thấy không dễ mà chuyển đổi được sang mô hình sản xuất xanh" cảnh báo nếu không theo được mục tiêu cắt giảm khí thải được ấn định cho năm 2020, Ireland có thể phải đối mặt với hàng trăm triệu Euro tiền phạt. Không may là một trong những mấu chốt của vấn đề khí thải tại Ireland lại là ngành nuôi bò lấy thịt và sữa.
Tuy nhiên, nếu phải thu hẹp quy mô chăn nuôi trồng trọt để giảm mức khí thải cuộc sống của 300.000 nông dân nước này sẽ ra sao, xuất khẩu nông sản lên tới 13,6 tỷ Euro vào năm 2017 sẽ thế nào? Đây là những câu hỏi quá khó đối với Ireland. Bài toán của nông nghiệp Ireland cũng đang là thách thức với các nước nông nghiệp.
Trước mắt, thuế CO2 đánh vào các sản phẩm tạo ra CO2 đã là một gánh nặng, nông dân đã phải chịu thuế này khi mua xăng dầu chạy máy và mua điện cho trang trại, nếu thêm thuế CO2 đánh vào các quy trình tạo khí thải nông nghiệp, nông sản có giá bán quá cao không thể cạnh tranh.
Một tờ báo khác của Ireland viết rằng "Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ireland thuyết phục Thượng viện tăng trợ cấp cho những nông dân dùng phân chuồng có mức độ phát thải thấp thay cho phân hoá học vốn tạo ra nhiều khí CO2". Ireland cũng đang đầu tư 300 triệu Euro nhằm lai tạo một giống bò sữa nhỏ hơn, có mức phát khí thải thấp nhưng lại cho nhiều sữa hơn.
Tuy nhiên, những cố gắng trên sẽ giúp Ireland thực hiện cam kết khí hậu đến mức nào lại không thấy bài báo nói tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!