Chậm hoàn thành cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị

Khánh Linh, Đức Chung-Thứ sáu, ngày 15/10/2021 10:42 GMT+7

VTV.vn - Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành giai đoạn 1 được hơn 2 năm, nhưng giai đoạn 2 đến nay vẫn "dậm chân tại chỗ". Vướng mắc lớn nhất nằm ở việc huy động vốn.

Ngay sau khi hoàn thành giai đoạn 1, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn rơi vào tình cảnh là tuyến cao tốc "cụt" khiến hiệu quả đầu tư bị giảm sút, chi phí vận tải của các doanh nghiệp đội lên đáng kể.

Gọi là cao tốc "cụt" bởi cả dự án dài hơn 100 km, nhưng mới chỉ làm xong được 60km, đoạn từ Bắc Giang đến Chi Lăng, Lạng Sơn đã phải dừng lại. Điều này khiến dự án hầu như chưa mang lại hiệu quả.

"Tình trạng ách tắc từ thành phố lên cửa khẩu thường xuyên diễn ra. Chúng tôi mong muốn sớm thông tuyến cao tốc để việc thông quan hàng hóa được thúc đẩy", bà Nguyễn Thị My Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hữu nghị Xuân Cương, cho biết.

Tuyến cao tốc được thông suốt từ Bắc Giang đến cửa khẩu Hữu Nghị sẽ góp phần giải quyết lãng phí về thời gian, chi phí nhiên liệu và hao hụt chất lượng hàng hóa trong quá trình vận chuyển.

Chậm hoàn thành cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị - Ảnh 1.

Thi công tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. (Ảnh: Báo Đầu tư)

"Chất lượng hàng hóa nông sản sẽ có thêm thời gian duy trì bảo quản, những việc đó sẽ góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận và thu hút nhiều hơn doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn", ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn, cho hay.

Ngay khi hoàn thành đoạn từ Bắc Giang đến Chi Lăng vào tháng 9/2019, việc huy động vốn BOT cho đoạn từ Chi Lăng đến Hữu Nghị đã đi vào ngõ cụt, bởi nhà đầu tư chưa tìm được nguồn vốn tín dụng.

Sau hơn 2 năm "nằm im", đến nay dự án đã được chuyển hình thức đầu tư từ 100% vốn tư nhân sang hình thức đối tác công tư PPP. Trong đó, ngân sách Trung ương cấp 2.500 tỷ đồng, tỉnh Lạng Sơn bố trí 1.000 tỷ đồng. Số còn lại dự kiến gần 3.500 tỷ sẽ do doanh nghiệp huy động.

"Đối với phần vốn Nhà nước sẽ tách thành 1 tiểu dự án thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 700 - 800 tỷ đồng, phần còn lại vốn của Nhà nước sẽ tham gia hòa vốn cùng vốn của nhà đầu tư, vốn chủ sở hữu cũng như vốn tín dụng để thực hiện dự án, sẽ do nhà đầu tư quản lý và Nhà nước cũng sẽ có phần quản lý ở đó theo quy định tại Nghị định 28", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, dự án hiện đang chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư để có thể tiếp tục triển khai. Theo tính toán, với việc Nhà nước tham gia gần một nửa trong tổng vốn, dự án sẽ có thời gian thu phí khoảng 20 năm.

Đề xuất mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây bằng vốn vay nước ngoài Đề xuất mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây bằng vốn vay nước ngoài

VTV.vn - Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 5 năm sau khi hiệp định vay cho dự án có hiệu lực (từ năm 2021 đến năm 2025).


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước