Chậm thanh toán trợ giá, xe bus Hà Nội có nguy cơ phải tạm dừng chạy

TTXVN-Thứ hai, ngày 23/11/2020 14:43 GMT+7

Xe bus vẫn là phương tiện chủ lực của vận tải công cộng ở thành phố Hà Nội trong những năm tới đây.

VTV.vn - Các doanh nghiệp vận hành tuyến bus tại Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn do chậm thanh quyết toán kinh phí trợ giá vận tải hành khách công cộng.

Các doanh nghiệp vận hành tuyến bus tại Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí đối diện phải tạm dừng chạy nếu phương án thanh quyết toán kinh phí trợ giá vận tải hành khách công cộng bằng xe bus chưa được tháo gỡ kịp thời.

Xoay sở dòng tiền để vận hành bus

Theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 10/4/2019), thay vì cơ chế trợ giá theo đặt hàng, từ tháng 6/2019, 104 tuyến bus có trợ giá của thành phố phải chuyển sang cơ chế đấu thầu. Trong năm 2019, đã có 36 tuyến hoàn thành việc này, 68 tuyến trợ giá khác chưa kịp tổ chức đấu thầu, sang đến hết quý 1/2020 việc đấu thầu mới xong.

Do vậy, toàn bộ kinh phí hoạt động 68 tuyến bus chưa đấu thầu trong 3 tháng đầu năm 2020 (tổng giá trị kinh phí trợ giá đề nghị thanh toán từ phía Sở Giao thông Vận tải Hà Nội báo cáo thành phố là gần 312 tỷ đồng) hiện chưa được thanh toán.

Theo đại diện một số đơn vị kinh doanh xe bus, ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 cộng với nhiều tác động khác đã dẫn tới một số chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng bằng xe bus có trợ giá trên địa bàn Thủ đô bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, toàn bộ chi phí vận hành 3 tháng đầu năm 2020 của hệ thống xe bus có trợ giá chưa được thanh toán khiến cho các doanh nghiệp vận hành các tuyến bus gặp rất nhiều khó khăn.

Đơn cử, Công ty cổ phần Ôtô vận tải Hà Tây là đơn vị đầu tiên "kêu cứu" tới các cơ quan chức năng của thành phố về nguy cơ phải tạm dừng hoạt động tuyến buýt trợ giá số 72 (Bến xe Yên Nghĩa-Xuân Mai) do thu không đủ bù chi.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô vận tải Hà Tây, từ thời điểm 1/9/2019, thực hiện chủ trương của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về việc "mở rộng đối tượng được sử dụng xe bus miễn phí cho người cao tuổi," số lượng hành khách sử dụng xe bus miễn phí mà trước đây đang sử dụng vé lượt hoặc vé tháng ưu tiên đã tăng đột biến, do đó làm giảm doanh thu của công ty.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị này cũng gặp nhiều khó khăn do lượng khách sụt giảm vì ảnh hưởng dịch COVID-19.

Hay như Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội đang đảm nhận vận hành 8 tuyến bus, trung bình mỗi tháng vận chuyển hơn nửa triệu lượt hành khách), ngoài chi phí của doanh nghiệp, đơn vị được thành phố Hà Nội trợ giá khoảng 16 tỷ đồng/tháng.

Tuy nhiên, cả quý I/2020, khoản hỗ trợ này chưa được thành phố chi trả. Để việc đi lại của hành khách không bị gián đoạn và 140 xe bus với 750 nhân viên lái, phụ xe tại đơn vị không bị ngừng vận hành, Công ty đã phải đi vay ngân hàng để duy trì hoạt động.

Ngóng chờ thanh quyết toán

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội thông tin chỉ riêng 68 tuyến chưa được thanh toán trong 3 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp xe bus trên địa bàn Hà Nội đang phải đi vay ngân hàng hơn 200 tỷ đồng.

"Với lãi suất vốn vay từ 7 đến 8%/năm, nếu thành phố không sớm có giải pháp tháo gỡ, áp lực vận hành đang đè nặng trên vai các doanh nghiệp bus và nguy cơ nhiều tuyến bus phải tạm ngừng hoạt động là điều hoàn toàn có thể xảy ra", ông Thông nhìn nhận.

Khẳng định chủ trương miễn phí xe bus cho người cao tuổi là đúng đắn, tuy nhiên, ông Thông cho rằng trong quá trình tổ chức đấu thầu xe bus, thành phố cần có cơ chế tính đúng, tính đủ, giám sát chặt chẽ để vừa bảo đảm doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân đồng thời bảo đảm nguồn ngân sách trợ giá được sử dụng hiệu quả.

Chậm thanh toán trợ giá, xe bus Hà Nội có nguy cơ phải tạm dừng chạy - Ảnh 1.

Nhiều đơn vị vận hành các tuyến bus đã phải đi vay ngân hàng để duy trì hoạt động.

Trong văn bản báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, theo thống kê từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến hết tháng 8/2020, qua khảo sát trên toàn hệ thống, một số chỉ tiêu (lượt xe, sản lượng, doanh thu, chi chí, trợ giá) đối với 104 tuyến bus trợ giá cơ bản không đạt so với kế hoạch năm 2020 và thực hiện cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, tổng sản lượng hành khách đạt 221,3 triệu lượt (giảm 26,8% so với cùng kỳ), trong đó xe buýt trợ giá đạt 203,4 triệu lượt hành khách (đã bao gồm khách đi xe bus miễn phí), giảm 23,8% so với cùng kỳ. Doanh thu thực hiện đạt 291,1 tỷ đồng, giảm 45,9% so với kế hoạch năm 2020…

Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị cung cấp dịch vụ xe bus, trong Tờ trình mới nhất báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã đề xuất thực hiện thanh quyết toán kinh phí quý 1/2020 cho 68 tuyến bus với tổng số tiền gần 312 tỷ đồng, nguồn kinh phí thực hiện thanh toán từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế năm 2020.

Trong đó, đơn giá thanh toán theo đơn giá đặt hàng được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2019. Khối lượng thực hiện (lượt xe, km hành trình) và chi phí vận hành đã được các cơ quan chức năng xác định, nghiệm thu.

Liên quan đến phương án thanh quyết toán kinh phí trợ giá vận tải hành khách công cộng bằng xe bus đối với 68 tuyến bus trong quý 1/2020, ngày 16/11/2020, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan hướng dẫn Sở Giao thông Vận tải thực hiện theo quy định pháp luật và các chỉ đạo có liên quan của Trung ương và thành phố; trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền, rà soát, tham mưu, báo cáo thành phố theo quy định.

Đối với các tuyến bus đang thực hiện theo hợp đồng thầu, trên cơ sở kết quả thực hiện của toàn mạng bus trợ giá, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương điều chỉnh một số chỉ tiêu trong dự toán hình thành giá gói thầu của năm 2020 (chỉ tiêu doanh thu, kinh phí trợ giá) để làm cơ sở tổ chức thực hiện các bước tiếp theo.

Theo thống kê từ Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, con số bình quân trợ giá bus của thành phố giai đoạn 2015-2019 mỗi năm là 1.300 tỷ đồng.

Từ những năm 2020 trở đi, mức trợ giá xe bus dự kiến khoảng trung bình 2.000 tỷ đồng/năm và năm 2025 sẽ rơi khoảng 2.700 tỷ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước