Hôm nay, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Kết quả PCI 2023 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện theo thời gian. Quảng Ninh, Long An, Hải Phòng, Bắc Giang và Đồng Tháp là năm địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI. Có vị trí cao nhất trong PGI 2023 là tỉnh Quảng Ninh, TP. Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai, Hưng Yên và TP. Hồ Chí Minh.
Tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PGI, năm thứ 7 liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI. Còn tỉnh Long An là địa phương có bước tiến lớn, vươn lên xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng PCI, tăng tới 8 bậc so với năm trước đó. Khoảng cách giữa các địa phương dẫn đầu với các địa phương xếp cuối đã thu hẹp dần. Những địa phương nhóm sau đang vươn lên mạnh mẽ.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: "Lần đầu tiên mà cái tỉnh cuối bảng xếp hạng vượt con số 60/100. Lần đầu tiên trong 19 năm chúng tôi tiến hành điều tra công bố PCI".
Những địa phương nhóm đầu cũng đang đứng trước áp lực lớn. Làm sao vừa phải sáng tạo hơn trong tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi mà vẫn duy trì hiệu quả các nỗ lực cải cách.
Ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin: "Giành được vị thế và điểm số đã khó, giữ vững còn khó hơn. Nhiệm vụ cải cách môi trường đầu tư kinh doanh chỉ có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc. Trao cho, coi người dân, doanh nghiệp, đối tượng phục vụ là trung tâm của tất cả mọi vấn đề".
Kết quả PCI cũng cho thấy công tác hỗ trợ doanh nghiệp của các địa phương đều thay đổi tích cực, chi phí không chính thức tiếp tục giảm bớt, các thủ tục gia nhập thị trường đã thuận lợi hơn và cải cách thủ tục hành chính đạt kết quả tích cực.
Ông Marc E. Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: "Mỹ đang là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Đây 1 phần cũng là nhờ PCI. Nó giúp các địa phương hướng tới sự minh bạch, trách nhiệm và tạo dựng môi trường thuận lợi. Đây là điều mà các nhà đầu tư Mỹ rất quan tâm".
Tuy nhiên, các doanh nhiệp nhỏ và vừa, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với họ. Những trở ngại trong tiếp cận đất đai đang có dấu hiệu gia tăng.
"Không có đất san lấp mặng bằng và cũng không tiếp cận được việc giao mặt bằng sớm nhất. Đấy là điều chúng tôi mong muốn được giải quyết sớm để được môi trường kinh doanh thuận lợi hơn", ông Lưu Công Thành - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Nhìn chung các doanh nghiệp đều cho biết đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạt động. Trong khi, tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương đang có dấu hiệu chững lại.
Năm 2024 đã được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá. Những chỉ đạo chính sách quan trọng thời gian đang được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ được chính quyền các địa phương thực hiện kịp thời, hiệu quả để góp phần quan trọng, thậm chí là quyết định để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!