PCI năm 2022: Nhìn lại để điều hành tốt hơn

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 16/04/2023 12:01 GMT+7

VTV.vn - Tuần qua, sự kiện công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trên cả nước.

Đây là năm thứ 18 báo cáo thường niên PCI được công bố, dựa trên 142 chỉ tiêu thuộc 10 chỉ số thành phần phản ánh các khía cạnh về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh.

Sau khi bảng xếp hạng này được công bố, báo chí đã nói nhiều đến niềm vui của các địa phương đã bứt phá về thứ hạng, sự vững vàng của Quảng Ninh khi lần thứ 6 liên tiếp đứng đầu hay sự giảm sút của những địa phương vốn được coi là đầu tàu kinh tế.

Các con số thống kê trên bảng xếp hạng đã nói lên rất nhiều điều và cũng mang lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Thời báo Ngân hàng đánh giá: "PCI năm 2022: Nhìn lại để điều hành tốt hơn".

Theo đó, PCI 2022 đã một lần nữa cho thấy các bài học thành công cũng như chưa thành công trong chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố.

Tư duy phục vụ

Khi "nhìn lại" để cùng suy ngẫm và đánh giá về bảng xếp hạng này, không ít bài báo đã đưa ra góc nhìn bình luận đáng chú ý, như bài "Tư duy phục vụ" trên tờ Người lao động.

PCI năm 2022: Nhìn lại để điều hành tốt hơn - Ảnh 1.

Tỉnh Quảng Ninh trong nhiều năm liền luôn nỗ lực cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. (Ảnh: NLĐ)

Theo bài báo, cùng một cơ chế chính sách, chung một hệ thống luật định, thống nhất áp dụng toàn quốc, sao có địa phương làm tốt, trong khi nhiều tỉnh không được như thế. Lời đáp từ địa phương dẫn đầu là Quảng Ninh nằm ở kết quả của hai phần việc lớn, đó là: sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính. Hai đối tượng chính quyền nhiệt tâm phục vụ là doanh nghiệp và người dân. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính "5 tại chỗ" đã thành công, tỉnh đang có kế hoạch đưa quy trình này lên môi trường số hóa. Rõ ràng, sự hài lòng của đối tượng được phục vụ chính là thước đo hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền.

Cả nước nên tham khảo "5 tại chỗ"

Đồng tình với quan điểm này, nhà báo Lê Thanh Phong bình luận trên tờ Lao động bình luận: "Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn có nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính. Cụ thể là "5 tại chỗ" - một sáng kiến đã được người dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. "5 tại chỗ" là các bước tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả được thực hiện xong ngay tại trung tâm hành chính công. Theo nhà báo Lê Thanh Phong, các địa phương khác nên tham khảo mô hình này. Thực ra, mô hình dễ, con người thực hiện mô hình mới khó.

Rõ ràng, yếu tố quyết định vẫn luôn ở con người. Báo Tiền phong bình luận: "Chỉ số PCI là những con số biết nói, ẩn chứa đằng sau là các động lực thúc đẩy bởi các tác nhân thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực…, nhưng tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người.

Vì vậy, việc thăng hay tụt bậc trong bảng xếp hạng chỉ số PCI không chỉ thể hiện chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các địa phương, mà còn thể hiện chỉ số lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào năng lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp. Năng lực và hiệu quả nào, chỉ số lòng tin ấy.

PCI và những sự đơn điệu không nhàm chán

Xét một cách công bằng, trong tiến trình cải cách ở Việt Nam, những chỉ số như PCI trở thành áp lực hay động lực tùy thuộc vào người đứng đầu. Tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Đó sẽ luôn là một trong những cách thức xã hội, doanh nghiệp nói với chính quyền về cung cách điều hành, thực thi pháp luật. Có đơn điệu một chút vì gần như chỉ số nào cũng nêu lên bao nhiêu tồn tại, nhưng tuyệt đối đó không phải là những tiếng kêu nhàm chán. Bởi vì khi xã hội, doanh nghiệp còn kêu, tức là còn mong cải cách, chuyển biến để tiến lên, phát triển xứng với tiềm năng".

Giữa nhiều con số được công bố trong Kết quả khảo sát của báo cáo PCI 2022 có một thống kê đáng chú ý, đó là tình trạng "nhũng nhiễu" khi giải quyết các thủ tục hành chính cho Doanh nghiệp gia tăng đáng kể từ mức 57,4% năm 2021 lên 71,7% năm 2022.

Trước thực trạng này, giữa tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Các cơ quan nhà nước tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đồng thời đề nghị Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra công vụ để nâng cao ý thức phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn và tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Kết quả khảo sát PCI 2022: Những thách thức nào doanh nghiệp cần vượt qua? Kết quả khảo sát PCI 2022: Những thách thức nào doanh nghiệp cần vượt qua?

VTV.vn - Bên cạnh nỗi lo về tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống, công ăn việc làm, người dân và doanh nghiệp còn lo ngại về hiệu quả quản trị, các chi phí không chính thức…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước