Động thái nâng lãi suất của FED được cho là sẽ khiến đồng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, đồng nghĩa với việc đồng tiền này sẽ tăng giá so với các ngoại tệ khác. Điều này sẽ gây áp lực đối với một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Theo các chuyên gia, khi lãi suất tại Mỹ tăng, chi phí vay mượn bằng đồng USD sẽ tăng lên và gây khó khăn cho chính phủ cũng như doanh nghiệp các nước có xu hướng vay mượn nhiều bằng đồng tiền này.
Những nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với nguy cơ "chảy máu" vốn, bởi những nước này có thể sẽ phản ứng bằng cách tăng lãi suất trong nước vốn đã ở mức rất cao. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư dường như vẫn lạc quan với động thái nâng lãi suất của FED. Ngày 17/12, sắc xanh đã bao phủ thị trường chứng khoán thế giới. Các thị trường chứng khoán trong khu vực châu Á đã có một phiên tăng điểm mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/12, chỉ số Nikkei trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo tăng 1,59%; có thời điểm chỉ số này tăng đến 2,3%, Các nhóm cổ phiếu như: bất động sản, vận tải, tài chính đều tăng giá. Sự tăng mạnh cũng được quan sát tại các thị trường khác ở khu vực như: Trung Quốc, Hong Kong và Australia. Các nhà đầu tư tin rằng, quyết định tăng lãi suất của FED sẽ khiến đồng USD mạnh lên, làm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản nhận định, động thái của FED nhiều khả năng sẽ dẫn đến cuộc chạy đua lãi suất trên thị trường châu Á để cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nhật Bản sẽ buộc phải tăng lãi suất phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, làm gia tăng gánh nặng nợ công hiện đang đứng ở mức trên 200% GDP. Từ ngày 17/12, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành phiên họp kéo dài 2 ngày để thảo luận về chính sách tiền tệ trước các biến động của thị trường thế giới.
Các nhà quan sát Nhật Bản nhận định, sự phản ứng tích cực của thị truờng chứng khoán châu Á cho thấy tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư đối với triển vọng của nền kinh tế Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn của cả khu vực. Tuy nhiên, nền kinh tế châu Á vốn đang tăng trưởng chậm lại sẽ gặp thêm nhiều khó khăn trong việc huy động dòng vốn đầu tư quốc tế. Hiện nay, dư nợ quốc tế của các nước châu Á đã đạt 4.000 tỷ USD. Lãi suất phát hành trái phiếu tăng lên sẽ làm tăng gánh nặng nợ nần của các nước trong khu vực.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.