Hôm nay (17/12), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức tuyên bố nâng lãi suất từ mức gần 0% lên phạm vi dao động từ 0,25 - 0,5 điểm phần trăm.
Trong bài phát biểu được dẫn chứng bởi nhiều chỉ số cơ bản của nền kinh tế, bà Janet Yellen - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - nhấn mạnh rằng Mỹ đã vượt qua giai đoạn khó khăn từ cuộc đại suy thoái năm 2008. Tình trạng thất nghiệp giảm; kinh tế tăng trưởng ổn định và kỳ vọng lạm phát tăng trong trung hạn được FED xác định làm cơ sở cho quyết sách nâng lãi suất lần này.
Tuyên bố của bà Yellen đã chính thức chấm dứt gần một thập niên Mỹ áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ. Thêm 0,25 điểm phần trăm lãi suất đồng nghĩa với việc nền kinh tế Mỹ đã bước vào giai đoạn phục hồi. Song con số khiêm tốn này cũng cho thấy FED rất thận trọng với việc điều chỉnh lần này và sẽ bám sát diễn biến của thị trường trước khi có những bước đi thích hợp tiếp theo.
Theo phóng viên Lê Tuyển thường trú Đài THVN tại New York, Mỹ, thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tích cực với quyết định từ FED. Cả 3 chỉ số chính chốt phiên đều tăng trên 1% giá trị. Ngay khi FED đưa ra quyết định, đồng USD tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác nhưng vẫn tương đối ổn định. Hiện đang giao dịch trong ngưỡng 1 Euro đổi được 1,085 USD.
Đồng USD tăng giá cũng khiến giá vàng và dầu vốn neo vào đồng tiền này giảm nhẹ. Giá vàng giao ngay đang trụ quanh mốc 1067 USD/oz. Còn giá dầu đã quay trở lại mốc 35,4 USD/thùng.
Trong khi đó, theo phóng viên Đức Cường thường trú Đài THVN tại Nhật Bản, sau quyết định tăng lãi suất của Mỹ, sáng nay (17/12), thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng điểm rất mạnh. Chỉ số Nikkei tăng 2,1% và chỉ số Topix tăng 2%. Các nhà đầu tư Nhật Bản đã tỏ ra phấn khích trước quyết định tăng lãi suất của FED. Có ý kiến cho rằng quyết định tăng lãi suất của FED sẽ càng làm USD mạnh lên so với Yen, hỗ trợ cho xuất khẩu của các công ty Nhật Bản. Đây là lý do khiến cổ phiếu của các công ty có tỷ trọng lợi nhuận từ xuất khẩu lớn được mua nhiều trong ngày hôm nay (17/12). Ngoài Nhật Bản, các thị trường chứng khoán khác tại châu Á cũng đồng lọat tăng điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,3% trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,2%.
Cũng theo phóng viên Đức Cường, các nhà kinh tế Nhật Bản nhất trí rằng động thái của FED sẽ thu hút một lượng lớn dòng tiền đầu tư quốc tế vào trái phiếu do Bộ Tài chính Mỹ phát hành. Điều đó có nghĩa là Nhật Bản sẽ phải tăng lãi suất khi phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Điều này không chỉ có nguy cơ làm tăng nợ công của Nhật Bản mà còn khiến họat động kinh doanh của các công ty Nhật Bản ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn hơn. Theo các nhà phân tích, những điều rủi ro tương tự cũng sẽ xuất hiện ở nhiều quốc gia tại châu Á. . Hiện nay, số nợ của các nước châu Á đã đạt mức 4.000 tỷ USD.
Theo phóng viên Lê Tuyển thường trú Đài THVN tại New York, Mỹ, trong ngắn hạn, khó có thể thấy được tác động của quyết định tăng lãi suất cơ bản của FED đến nền kinh tế Mỹ và thế giới bởi mức lãi suất từ 0,25% lên 0,5% không phải là con số lớn để có thể gây đột biến.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, quyết định này sẽ mở ra thời kỳ điều hành chính sách tiền tệ bình thường của FED. Điều đó có nghĩa có thể FED sẽ tăng lãi suất một vài lần nữa vào năm 2016. Khi đó, đồng USD sẽ tăng giá mạnh và đối với kinh tế Mỹ, xuất khẩu sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Các nền kinh tế vốn có đồng nội tệ yếu sẽ khó chống đỡ trước đồng USD mạnh. Khu vực Mỹ Latinh nằm trong diện này.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, có thể một dòng vốn sẽ bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi. Theo tính toán của IMF, trong thời kỳ khủng hoảng, đã có dòng vốn trị giá 4,5 nghìn tỷ USD chảy vào các nền kinh tế này. Và nếu FED lại tăng lãi suất tiếp thì rất có thể phần nào đó trong con số trên sẽ được đưa về Mỹ để nhận lãi vay cao.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online.