Đây được cho là biện pháp thương mại lớn nhất của EU đối với Trung Quốc trong hơn 1 thập kỷ qua. Mặc dù phần lớn 27 quốc gia thành viên EU đều ủng hộ kế hoạch này, tuy nhiên vẫn còn 1 số quốc gia lên tiếng phản đối. Chưa kể, phía Trung Quốc còn cho rằng động thái của EU có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn của thế giới.
Kế hoạch áp thuế xe điện Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ 31/10 tới trừ khi Trung Quốc đưa ra giải pháp chấm dứt bế tắc. Mức thuế áp dụng đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc lần lượt là 17% với BYD, 18,8% cho xe của Geely và 35,3% với xe SAIC. Các nhà sản xuất xe điện khác tại Trung Quốc, bao gồm các công ty phương Tây như Volkswagen và BMW, sẽ phải chịu mức thuế 20,7%. Riêng xe Tesla được EC áp mức thuế riêng là 7,8%.
Các mức mới này được áp thêm trên mức thuế hiện hành là 10%. Điều này có nghĩa là trên thực tế, một số nhà sản xuất ôtô Trung Quốc sẽ sớm phải đối mặt với tổng mức thuế trên 45%.
Trung Quốc đã bày tỏ lập trường phản đối phán quyết của EU về đánh thuế lên xe điện. Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi EU xem xét thấu đáo về việc áp dụng thuế bổ sung bởi nó ngăn cản doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác đầu tư vào châu Âu. Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả các biện pháp để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp Trung Quốc. Hiện vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp châu Âu và chính phủ 1 số nước phản đối kế hoạch này.
Ông Clement Lefevre - Người phát ngôn MG Motor (Pháp) cho hay: "Thật đáng tiếc khi EU áp dụng mức thuế lên đến 45% đối với xe EV, bởi vì điều này sẽ chỉ làm cho xe điện đắt hơn cho người tiêu dùng mà thôi. Trong khi mục tiêu của chúng tôi là mang đến những dòng xe tốt, ít phát thải mà giá cả hợp lý".
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết: "Những gì Liên minh châu Âu đang làm khi quyết định áp đặt thuế quan trừng phạt đối với Trung Quốc, là tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế, chúng tôi phản đối điều đó. Bởi nó sẽ ảnh hưởng đến chính người dân Hungary. Cả người Đức và một số quốc gia khác cũng phản đối kế hoạch này".
Theo EC, thị phần xe điện sản xuất tại Trung Quốc đã tăng từ 3,9% vào năm 2020 lên 25% vào tháng 9/2023, một phần lý do được EC cho là do các công ty Trung Quốc đã nhận được các trợ cấp trong suốt chuỗi sản xuất.
Giáo sư Rahmon Ulmasov - Trường Đại học Slavonic cho hay: "Các nhà sản xuất Trung Quốc đã thâm nhập thị trường châu Âu và Mỹ từ lâu, và điều này sẽ tiếp tục trở nên quen thuộc. Lý do rất đơn giản: Trung Quốc có khả năng sản xuất hàng loạt các sản phẩm với chi phí thấp, và người tiêu dùng có thể mua được. Do đó, các biện pháp cố gắng phong tỏa hàng hóa Trung Quốc chỉ là giải pháp tạm thời".
Theo các chuyên gia phân tích, với quyết định áp thuế mới, mối quan hệ kinh tế giữa châu Âu và Trung Quốc được đánh giá sẽ trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Còn người tiêu dùng châu Âu có thể sẽ phải đối mặt với giá xe tăng và sự thiếu hụt lựa chọn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!