Châu Âu bất đắc dĩ mở mỏ khai thác Lithium

Thường trú Đài THVN Việt Nam tại châu Âu-Thứ hai, ngày 19/08/2024 20:00 GMT+7

VTV.vn - Nhiều nước châu Âu từ lâu đã biết có trữ lượng lithium đủ lớn có thể khai thác ở quy mô công nghiệp, nhưng không khai mỏ.

Nhiều nước châu Âu đang suy tính có nên khai thác lithium dưới lòng đất của nước mình hay không. Bởi lithium là nguyên liệu quan trọng sản xuất pin cho xe ô tô chạy điện, các nước châu Âu vẫn nhập khẩu từ Australia, Chile và Trung Quốc. Tại châu Âu, nhiều nước có trữ lượng lithium tương đối lớn, nhưng không khai thác, nhằm bảo vệ lớp đất mặt và tránh ô nhiễm không khí cũng như nguồn nước.

Nhiều nước châu Âu từ lâu đã biết có trữ lượng lithium đủ lớn có thể khai thác ở quy mô công nghiệp, nhưng không khai mỏ.

Bồ Đào Nha là nơi có trữ lượng lithium lớn nhất châu Âu, ước tính 60 triệu tấn, tại vùng núi hẻo lánh phía Bắc đất nước. Tờ Jornal de Notícias cho biết "công ty Savannah của Anh đang muốn thăm dò khai thác mỏ lithium này trong thời gian 17 năm, trên diện tích 593 ha". Tuy nhiên phía Bồ Đào Nha do dự, đặt ra ba điều kiện: thứ nhất là "Công ty khai mỏ phải đảm bảo năng lực kỹ thuật, tài chính và công nghệ môi trường; thứ hai là khai thác mỏ theo từng giai đoạn và cuối mỗi giai đoạn phải trồng lại các loài thực vật khi xưa và tái tạo cảnh quan thiên nhiên y như cũ. Và thứ ba là không chỉ bảo tồn giá trị môi trường mà còn phải bảo đảm chất lượng sống của cư dân vùng đó" không kém hơn so với trước khi khai mỏ.

Với vô số quy định về môi trường của Liên minh châu Âu: giảm phát khí thải, bảo vệ nguồn nước, hạn chế bụi mịn, ô nhiễm tiếng ồn… thì chi phí khai thác và chế biến lithium tại châu Âu sẽ là cao ngất. Tờ Libération cũng đặt câu hỏi, "Lithium chế tạo tại Pháp sẽ là cơ hội kinh tế hay là thảm họa sinh thái?". Pháp đã phát hiện lithium tại vùng trung du chính giữa đất nước và đang dự kiến khai thác không lộ thiên, "từ năm 2028 có thể sản xuất liên tục trong ít nhất 25 năm, mỗi năm 5.000 tấn lithium nguyên chất, đủ để đáp ứng pin cho 700.000 ô tô điện mỗi năm", tương đương "từ 1/3 cho tới một nửa nhu cầu" lithium của ngành sản xuất xe hơi Pháp.

Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng mà Uỷ ban châu Âu đưa ra đặt mục tiêu đối với 17 nguyên liệu chiến lược, trong đó có lithium. Tính đến năm 2030, Liên minh châu Âu phải khai thác ít nhất 10% nhu cầu hàng năm. Một tờ nhật báo Đức có bài về "Dự án tinh chế lithium" tại vùng núi biên giới Đức với Cộng hoà Séc. 400 ha đồng cỏ trong bức ảnh đang được quy hoạch để trở thành một "khu phức hợp khai thác và luyện kim sản xuất lithium nguyên chất".

Tính đi tính lại, nhập khẩu vẫn rẻ hơn mà lại không làm hỏng cảnh quan. Nhưng để đảm bảo tự chủ thì không có cách nào khác. Tờ báo Bỉ Le Soir viết về "Những cam kết lithium xanh chế tạo tại châu Âu", có nhắc tới một thực nghiệm thành công tại Đức: "bơm nước có chất hấp thụ lithium xuống độ sâu 4 km tâm mỏ, sau đó thu hồi nước, rồi tách lấy kim loại". Đó là một trong những phương pháp khai thác bớt phá hoại cảnh quan môi trường, nhưng chắc chắn vẫn rất tốn kém so với nhập khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước