Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở Đức. (Ảnh: DW)
Giá năng lượng tại các nước châu Âu tăng cao do lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt của các nước phương Tây với Nga kéo theo đà tăng của các loại hàng hóa. Điều này khiến chỉ số lạm phát ở 14/19 nền kinh tế thuộc khu vực Eurozone trong tháng 5 đã cán mức kỷ lục 8,1%.
Giá cả tăng buộc các nhà hoạch định chính sách châu Âu những ngày qua phải triển khai nhiều biện pháp để giảm gánh nặng giá cả cho người dân.
Mới đây, trong ngày 14/6, chính phủ Áo gấp rút công bố hỗ trợ 6 tỷ Euro cho người dân vượt cơn bão giá. Những người Áo thất nghiệp và tầng lớp hưu trí được nhận trợ cấp một lần 300 Euro. Ngoài ra, việc áp dụng các chính sách thuế mới như thuế carbon được lùi đến tháng 10 thay vì tháng 7. Áo cũng đặt mục tiêu nâng mức dự trữ năng lượng lên 80% trước mùa đông tới.
Trước đó, từ đầu tháng 6, chỉ với 9 Euro/tháng, người dân Đức có thể đi khắp đất nước bằng tàu hỏa trong vòng 3 tháng; mỗi người Đức cũng được nhận trợ cấp một lần 300 Euro.
Ở cấp độ châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm 9/6 cũng quyết định ngừng mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp từ ngày 1/7 và chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài trong nhiều năm, sau đó sẽ tăng lãi suất cơ bản vào tháng 7 và tháng 9 tới để kiềm chế lạm phát.
Theo giới phân tích châu Âu, chìa khóa để giải bài toán lạm phát tăng cao trong bối cảnh hiện nay là kìm đà tăng giá năng lượng, nhưng châu Âu khó có thể giải quyết điều này trong ngắn hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!