Tuần trước, Nghị viện châu Âu đã biểu quyết, ủng hộ ý tưởng áp thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây là bước đi đầu tiên trong việc tạo lập một tiêu chuẩn kỹ thuật mới mẻ mà các nước xuất khẩu hàng hoá vào châu Âu, trong đó có Việt Nam sẽ phải quan tâm.
Tờ báo Thuỵ Điển Hallandsposten viết: Các doanh nghiệp tại châu Âu phải bỏ tiền ra để mua quyền được phát thải, do đó làm tăng chi phí sản xuất. Trong khi đó, doanh nghiệp ở các quốc gia khác trên thế giới, những nơi không bắt buộc phải bỏ tiền ra mua quyền được phát thải, vẫn có thể sản xuất các sản phẩm tương tự với chi phí thấp hơn, mặc dù mức độ gây ô nhiễm là như nhau.
Vì vậy, phải tạo ra thuế phát thải, có nghĩa là hàng hoá từ các quốc gia không định giá lượng khí thải sẽ bị buộc phải trả một khoản tiền tương ứng khi đưa hàng hoá đó qua biên giới vào châu Âu có như thế mới công bằng.
Châu Âu dự tính sẽ áp thuế carbon bắt đầu với các sản phẩm dễ tính toán lượng khí thải ra trong quá trình sản xuất như là thép, xi măng, nhôm, giấy, hoá chất... (Ảnh minh họa: Reuters)
Công nghệ bây giờ đã cho phép xác định khá chính xác, sản xuất một cái áo sơ mi chẳng hạn sẽ thải ra bao nhiêu gram CO2. Có rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ này cho doanh nghiệp, xác định lượng khí thải của từng công đoạn, sản xuất, cất trữ, vận chuyển và cấp chứng chỉ hoặc là tư vấn cách cắt giảm khí thải trong mỗi công đoạn.
Nhật báo Le Figaro ra tại Pháp viết rằng châu Âu dự tính sẽ bắt đầu với các sản phẩm dễ tính toán lượng khí thải ra trong quá trình sản xuất như là thép, xi măng, nhôm, giấy, hoá chất. Cơ chế đánh thuế carbon tại biên giới sẽ sớm trở thành một tiêu chuẩn kỹ thuật mới dành cho hàng hoá từ bên ngoài nhập khẩu vào châu Âu.
Tương tự như là muốn xuất khẩu vào châu Âu hải sản thì không được đánh cá theo kiểu tận diệt, muốn xuất khẩu quần áo phải cải thiện điều kiện làm việc của công nhân may… Gọi đó là hàng rào kỹ thuật cũng không hẳn chính xác, bởi vì các quy định đó không chỉ áp đặt cho hàng hoá nhập khẩu, các doanh nghiệp của châu Âu trên đất châu Âu cũng phải tôn trọng tất cả các quy định này.
Cơ chế thuế phát thải sẽ là một nguồn thu mới cho ngân sách châu Âu, ước tính từ 5 - 14 tỷ Euro mỗi năm.
Điểm khác biệt cơ bản là về lý thuyết thuế carbon có thể áp cho mọi loại sản phẩm, thậm chí sản phẩm phi vật chất, như phần mềm máy tính hay bản vẽ thiết kế xây dựng. Bởi vì quá trình sản xuất các sản phẩm phi vật chất ấy cũng dùng tới điện chạy máy vi tính, có nghĩa vẫn phát khí thải làm cho Trái đất nóng lên.
Tuần báo L'Express của Pháp viết rằng châu Âu muốn áp thuế lên các sản phẩm từ nước thứ ba tuỳ theo lượng khí thải, sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài phải chủ động cải tiến quy trình sản xuất nhằm giảm lượng khí thải. Mặt khác cơ chế thuế phát thải sẽ là một nguồn thu mới cho ngân sách châu Âu, ước tính từ 5 - 14 tỷ Euro mỗi năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!