Đáng chú ý là biên độ chênh lệch giữa mua vào và bán ra đã được nới rộng, đến 2 triệu đồng/lượng. Điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch của không ít người.
Tại một cửa hàng kinh doanh vàng bạc, mức chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra của vàng SJC đã tăng gấp 3 lần so với tuần trước. Giá bán SJC đang cao hơn giá mua vào tới 2 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, mức chênh của giá vàng rồng Thăng Long chỉ là 700 nghìn đồng/lượng. Vì thế, không ít người đã chuyển hướng mua loại vàng có mức chênh thấp để hạn chế rủi ro.
Anh Nguyễn Hữu Thuyết, chuyên viên phòng vàng trao đổi, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, cho biết: "Lượng khách hàng mua vàng rồng Thăng Long vẫn cao hơn vàng SJC. Tỷ lệ vàng rồng Thăng Long chiếm khoảng 70% còn lại là SJC".
Các đơn vị kinh doanh vàng cũng cho biết khoảng 1 tuần trở lại đây nhu cầu về mua vàng SJC không còn quá lớn như trước. Người dân đang có xu hướng lựa chọn các sản phẩm vàng 4 số 9 khác để đầu tư trong giai đoạn này.
Anh Trần Xuân Dũng, Trưởng phòng kinh doanh vàng miếng, Công ty cổ phần đầu tư vàng Phú Quý, nhận định: "Khi mà giá trên thị trường mà mọi người thấy rằng khoảng cách giữa mua vào và bán ra chênh lệch lớn, đó là dấu hiệu thị trường không ổn định. Khi thị trường không ổn định, các nhà kinh doanh sẽ phải giãn biên độ ra để đảm bảo tránh rủi ro trong kinh doanh".
Dù là mua sản phẩm vàng nào để đầu tư trong giai đoạn này, thì các chuyên gia cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần bình tĩnh, tránh mua theo xu hướng bởi nếu mua vàng để đầu cơ thì có thể gặp rủi ro cao do giá vàng trong giai đoạn này vẫn đang chịu nhiều tác động từ những diễn biến khó lường của giá vàng thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!