Chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản tăng cao

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 21/04/2023 17:32 GMT+7

VTV.vn - Lạm phát tăng đã trở thành một vấn đề nan giải ở Nhật Bản, dù nước này vốn dĩ có mức lạm phát thấp trong suốt nhiều thập kỷ.

Dữ liệu mới công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản không nhiều biến động trong tháng 3 và vẫn cao hơn nhiều so với phạm vi mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). CPI toàn phần tăng 3,3% trong tháng 3, còn CPI lõi (không bao gồm các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm tươi sống và nhiên liệu), đã tăng 3,1%.

Tỷ lệ lạm phát này vẫn còn thấp nếu so với ở Mỹ hay châu Âu. Nhưng ở Nhật Bản lạm phát như vậy đã đủ cao để khiến các hộ gia đình cảm thấy áp lực chi phí sinh hoạt, xét tới sự trì trệ của tiền lương.

Kể từ tháng 1 năm nay, giá của hơn 14.000 loại thực phẩm đã tăng ở Nhật Bản. Dữ liệu chi tiết hơn chỉ ra rằng trong khi các khoản trợ cấp của chính phủ về điện đã giúp giảm lạm phát từ mức cao nhất trong hơn 40 năm qua là 4,2% thì chi phí gia tăng của hầu hết các hàng hóa và dịch vụ khác vẫn khiến lạm phát cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của BOJ.

Chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản tăng cao  - Ảnh 1.

Lạm phát tăng đã trở thành một vấn đề nan giải ở Nhật Bản. Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, người lao động Nhật Bản vẫn chưa được được tăng lương tới mức đủ để bù lại sự tăng giá tiêu dùng. Hãng tin CNN dẫn thống kê chính thức được Chính phủ Nhật Bản công bố mới đây cho thấy, sau khi trừ đi lạm phát, tiền lương ở Nhật trong tháng 2 giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 11 liên tiếp tiền lương trừ đi lạm phát ở Nhật giảm.

Với tỷ lệ lạm phát 3,1% trong tháng 3, cao hơn so với mục tiêu của BOJ là 2%, các chuyên gia cho rằng đây được xem là lúc BOJ nên chấm dứt chương trình kích cầu khổng lồ bằng chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, giá cả tăng vượt mục tiêu ở Nhật Bản chủ yếu do chi phí nhập khẩu gia tăng thay vì nhu cầu mạnh tại thị trường nội địa. Điều đó có nghĩa là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Ueda sẽ gặp khó khăn trong việc tăng lãi suất, nhất là trong bối cảnh mức sống của người dân không hề tăng.

Ông Stefan Angrick - Chuyên gia kinh tế trưởng Moody's Analytics nhận định: "BOJ đang bị kẹt giữa một bên là việc thị trường tài chính kỳ vọng sự xoay trục chính sách và một bên là việc nhận thấy rằng một sự rút lui quá sớm khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo có thể làm chệch hướng nền kinh tế và bất kỳ hy vọng nào về việc đạt mục tiêu lạm phát 2% bền vững mà BOJ mong muốn".

Một cuộc thăm dò hàng tháng của hãng tin Reuters cho thấy hầu hết các công ty Nhật Bản muốn Thống đốc BoJ Ueda tập trung vào sự ổn định thị trường tài chính tại cuộc họp chính sách đầu tiên của ông vào tuần tới.

Thống đốc Ueda cho đến nay vẫn có ý định duy trì những chính sách nới lỏng tiền tệ đó. Tuy nhiên, truyền thông Nhật gần đây cho rằng BOJ sẵn sàng thắt chặt chính sách vào cuối năm nay nếu tăng trưởng tiền lương duy trì đà tăng như hiện tại.

Các thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc họp chính sách đầu tiên của ông Ueda vào ngày 27 - 28/4, khi ban điều hành BoJ sẽ công bố dự báo tăng trưởng và lạm phát hàng quý kéo dài đến năm tài khóa 2025.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước