Theo báo cáo mới nhất của IHS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của ASEAN tháng 4 có mức tăng mạnh nhất trong 7 năm qua và trong 7 quốc gia Việt Nam có mức tăng mạnh nhất.
Sau cú sốc năm 2020, chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN đã quay trở lại đạt mức gần như cao nhất trong 7 năm qua, đạt mức 51,9 điểm. Đây là chỉ số phản ánh mức độ lạc quan của doanh nghiệp sản xuất so với tháng trước, điểm trên 50 nghĩa là triển vọng tích cực, còn dưới 50 nghĩa là triển vọng thu hẹp sản xuất.
Chỉ số PMI tháng 4 của Việt Nam cao nhất ASEAN. Ảnh minh họa.
Chỉ số PMI được đánh giá dựa trên 5 yếu tố: Đơn đặt hàng mới, sản lượng, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung ứng và cuối cùng là tồn kho.
Trong đó, nguyên nhân chính cho mức tăng ấn tượng của ASEAN trong tháng 4 là bởi sản lượng có mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2014 và số lượng đơn đặt hàng mới còn tăng mạnh nhất kể từ 5/2013.
Đáng chú ý hơn cả là Việt Nam, khi chỉ số PMI đạt 54,7 điểm - mức cao nhất trong 2 năm rưỡi, tức là so với cả thời điểm trước khi có dịch.
Trong bối cảnh đó, điểm nhấn ở khu vực công nghiệp của Việt Nam xuất phát chính từ ngành chế biến chế tạo, với mức tăng tháng 4 ước tính đạt tới 29%. Tính chung cả 4 tháng, giá trị xuất khẩu, bao gồm chủ yếu các sản phẩm ngành chế biến chế tạo, đạt mức tăng trưởng cao 27,7%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!