Mất giấy phép hoạt động tại London, khủng hoảng về nhân sự khi hàng loạt giám đốc khu vực xin từ chức trong khi vẫn còn trống nhiều vị trí cấp cao - trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, việc hãng viễn thông Nhật Bản Softbank quyết định rót hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư có thể nói là tin vui hiếm hoi với Uber.
Tuy nhiên, liệu có điều gì mâu thuẫn hay không khi mới chỉ vài ngày trước đó, cũng chính SoftBank đã tuyên bố đầu tư 2 tỷ USD cho Ola - đối thủ số 1 của Uber tại Ấn Độ, thị trường đông dân nhất thế giới để cạnh tranh trực tiếp với startup công nghệ Mỹ?
Những ai đã theo dõi Masayoshi - ông chủ của quỹ đầu tư này - sẽ hiểu thật ra đây là một chiến thuật cực kỳ bài bản và khôn ngoan.
Nếu quan sát những bước đi của Masayoshi Son từ nhiều năm nay, Ola không phải cái tên yêu thích duy nhất của tỷ phú nổi tiếng với thương hiệu "liều ăn nhiều" này.
Trước khi đầu tư cho Uber và Ola, SoftBank của Masayoshi cũng đã rót tiền cho những tay chơi lớn trong ngành đặt xe như Didi Chuxing của Trung Quốc, Grab ở Đông Nam Á hay 99 của Brazil. Ứng dụng gọi xe Lyft tại Mỹ là cái tên tiếp theo nằm trong tầm ngắm của ông trùm truyền thông Nhật Bản.
Nhìn ở phạm vi toàn cầu, đây là chiến lược rất khôn ngoan của Masayoshi. Bởi theo nhận định của các chuyên gia, cạnh tranh khốc liệt trong ngành ứng dụng đặt xe sớm hay muộn cũng sẽ dẫn đến những thương vụ mua bán, sáp nhập lớn. Khi đó, SoftBank đã sớm chiếm miếng bánh thị phần và có tiếng nói của riêng mình.
Nhiều người tin tưởng vào tầm nhìn của Masoyoshi khi tỷ phú Nhật Bản này từng thực hiện hàng loạt thương vụ đình đám. Quyết định chào mua gần 40% cổ phần công ty Yahoo! Nhật Bản với giá 105 triệu USD hồi năm 1995 của Masayoshi từng bị xem là điên khùng. Thế nhưng sau 15 năm, chính sự điên khùng này đã mang về cho ông chủ SoftBank khoản lãi hàng chục lần.
Hay việc ông Masayoshi bỏ ra 20 triệu USD đặt cược vào Alibaba khi trang web này mới chỉ là một cổng điện tử nhỏ cũng gây bất ngờ cho nhiều người. Giờ đây, Alibaba đã lột xác trở thành công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới, cổ phần của SoftBank hiện được định giá cao gấp 2.900 lần khoản đầu tư ban đầu.
Quyết định dấn thân vào lĩnh vực gọi xe của Masayoshi còn đến từ niềm tin vào tương lai của ngành xe tự lái. Mặc dù chưa biết cuộc chiến giữa các hãng đặt xe sẽ diễn biến thế nào nhưng người nắm dao đằng chuôi lúc này có lẽ đang là ông Masayoshi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!