Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam chịu ảnh hưởng gì?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 22/11/2018 20:21 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao khi đã là một trong những đất nước có độ mở lớn trong giao thương?

Giữa tháng 9/2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên quy mô hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Mức thuế này sẽ tăng lên 25% vào đầu năm 2019. Những động thái quyết liệt của cả hai bên đã ảnh hưởng tới dòng chảy thương mại và đầu tư trên toàn thế giới. Trong vòng xoáy đó, Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao khi đã là một trong những đất nước có độ mở lớn trong giao thương?

Tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang đã có những ảnh hưởng tới thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới, một số ngành hàng xuất khẩu Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Mỹ khi những mặt hàng bị đánh thuế của Trung Quốc như điện tử, máy móc, xe cộ, đồ gỗ. Giá trị của các sản phẩm tương đương với 4,4% GDP.

Tuy nhiên, khi hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam - một trong những nền kinh tế có độ mở thương mại hàng đầu khu vực với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tương đương 200% GDP. Với lợi thế cạnh tranh về giá, hàng hóa Trung Quốc có thể gây sức ép lớn đến thị trường trong nước, nhất là các ngành hàng như may mặc, giày dép, thủy sản và nông sản, máy móc, thiết bị điện tử.

Bên cạnh đó, khi Trung Quốc không xuất khẩu được hàng hóa sang Mỹ, sẽ phải thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Như vậy xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc cũng sẽ khó khăn hơn.

Đối với nguy cơ Việt Nam bị Mỹ áp dụng biện pháp phòng vệ, trong số 3 điều kiện để xem xét đưa vào danh sách theo dõi của Mỹ, Việt Nam đã chạm 2.

Doanh nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội chuyển mình

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, không ít những vấn đề khá căng thẳng ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng nước ta cũng có những cơ hội rất rõ ràng để chuyển mình theo những diễn biến của cuộc chiến này. Mỹ luôn là thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Việt và cơ cấu sản phẩm vẫn tập trung ở các mặt hàng chủ lực giống như Trung Quốc. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, bởi vậy nhiều khả năng nhu cầu các mặt hàng nhập khẩu ở Mỹ sẽ tăng cao thay thế cho nguồn hàng từ Trung Quốc.

Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất với hơn 38 tỷ USD năm 2017. 9 tháng đầu năm 2018, ngành dệt may xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 22,56 tỷ USD, chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành với mức tăng trưởng hơn 17%. Tận dụng những ưu thế của mình trước các diễn biến căng thẳng trong thương mại Mỹ- Trung là việc mà ngành dệt may đang thực thi.

Để giảm chi phí nhập khẩu, các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ lựa chọn ký kết nhiều đơn hàng nhập khẩu hơn với các nước có chi phí chế tạo tương đối thấp như Việt Nam. Việc tận dụng những cơ hội như thế nào tùy thuộc vào sự chủ động của các doanh nghiệp Việt và sự nhạy bén của các nhà hoạch định chính sách.

Phần lớn các chuyên gia kinh tế đều có nhận định chung đây là thời điểm này với nhiều cơ hội quý báu cho Việt Nam khẳng định vị thế riêng của mình, tận dụng mạnh mẽ hơn các hiệp định thương mại đã ký kết.

Dòng đầu tư dịch chuyển do chiến tranh thương mại

Nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng khá sâu sắc tới thương mại toàn cầu thì cuộc chiến này cũng ảnh hưởng không kém đến sự dịch chuyển của dòng đầu tư này bởi Trung Quốc và Mỹ đều là những nhà đầu tư, nhà sản xuất có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, hàng năm có khoảng 1.600 - 1.700 tỷ USD đầu tư dịch chuyển trên thế giới. Một trong những khu vực thu hút lượng đầu tư năng động nhất là ASAN, năm vừa qua khu vực này đã có mức tăng trưởng đầu tư lên tới 18%. Nằm trong khu vực thu hút đầu tư năng động nhất, Việt Nam sẽ có "thái độ" như thế nào đối với sự dịch chuyển đáng chú ý này?

Điện thoại, đồ gia dụng, điện tử, máy tính, đồ chơi, đồ thể thao... là 5 nhóm hàng của Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chiến tranh thương mại. Sức nóng có thể khiến các doanh nghiệp lĩnh vực này tại Trung Quốc chuyển hướng đầu tư sang các địa điểm khác, trong đó có Việt Nam.

Việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư là cơ hội nhưng đồng thời cũng cần tránh tình trạng đội lốt xuất xứ các sản phẩm. Việc thép từ Việt Nam bị Mỹ đánh thuế do có xuất xứ Trung Quốc là ví dụ rất rõ ràng.

Mặt khác, dù dòng đầu tư hướng tới ASEAN, Việt Nam cũng cần phải cạnh tranh với rất nhiều những điểm đầu tư khác trong khu vực. Việc tụt hạng trên bảng xếp hạng Doing Business của Ngân hàng Thế giới vừa qua cho thấy Việt Nam cần cải cách trọng tâm hơn để có thể là lựa chọn của các nhà đầu tư.

Dòng đầu tư sẽ tìm nơi hiệu quả nhất, thuận lợi nhất. Trong vòng xoáy đó, nắm bắt ra sao, nhìn nhận sự dịch chuyển này là cơ hội hay thách thức phụ thuộc vào chính khả năng đón nhận của Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước