Thậm chí nhà đất công còn bị biến thành của tư bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, gây lãng phí, thất thoát, thiệt hại lớn cho nhà nước.
Kết quả thanh tra 28 vị trí đất có diện tích gần 6 triệu m2 tại TP Hồ Chí Minh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa trong 10 năm qua đã phát hiện rất nhiều vi phạm của doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án. Thủ đoạn thường thấy là nhà đất công được mang ra để góp vốn hợp tác, sau đó bằng nhiều cách khác nhau sẽ chuyển quyền được thuê đất của nhà nước và quyền được phát triển dự án sang cho các đối tác hoặc pháp nhân mới để toàn quyền thực hiện dự án với chi phí thấp hơn nhiều giá thị trường. Cũng vì vậy, nhiều nhà đất công đã trở thành đất tư với giá rẻ, gây thiệt hại cho nhà nước và làm giàu bất chính cho không ít cá nhân.
Vị trí "đất vàng" giữa trung tâm thành phố, rộng hơn 5.000 m2, với 3 mặt tiền… chỉ để làm bãi trông giữ xe. Một nguồn tiền không nhỏ được thu về hàng ngày trên mảnh đất của nhà nước trong gần 15 năm qua, nhưng không phải là cho ngân sách nhà nước.
Nhà đất công bị biến thành của tư bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, gây lãng phí, thất thoát, thiệt hại lớn cho nhà nước.
Khu đất 8 - 12 Lê Duẩn, nằm đối diện UBND Quận 1 được giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà ký hợp đồng cho 4 công ty thuê và trả tiền thuê đất hàng năm.
Năm 2008, UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi khu đất để thực hiện dự án xây dựng khách sạn cao cấp. Tuy nhiên 4 công ty này không chịu di dời, xin tham gia thực hiện dự án mới tại đây.
Đến tháng 10/2009, UBND thành phố có công văn chấp thuận cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà làm chủ đầu tư dự án và liên doanh, liên kết với 4 công ty đang thuê tại đây.
Ngay sau đó, Công ty Quản lý kinh doanh nhà xin hình thành pháp nhân mới là Công ty cổ phần Lavenue để xin được huy động thêm nguồn vốn khác triển khai dự án.
Công ty Hoa Tháng Năm xuất hiện, xin được tham gia dự án, đóng góp 30% trong tỷ lệ góp vốn 50% của Công ty Quản lý kinh doanh nhà.
Ngay khi thành lập pháp nhân mới, 4 công ty này đã ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty Kinh Đô để Kinh Đô cho mỗi công ty vay 12,5 tỷ đồng để góp vốn thành lập Công ty Lavenue, tương đương mỗi công ty nắm giữ 12,5% vốn điều lệ.
Sau đó, 4 công ty này chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Lavenue cho Công ty Kinh Đô với giá 62,5 tỷ đồng một công ty.
Lúc này, Công ty Kinh Đô sở hữu số cổ phần lớn nhất 50%, tiếp đó là Công ty Hoa Tháng Năm 30% và cuối cùng là Công ty Quản lý kinh doanh nhà 20%.
Các bước để thâu tóm tài sản công được hình thành trong 15 năm, với các chiêu trò: thành lập pháp nhân, lách luật và trục lợi hàng trăm tỷ đồng ngay trên tài sản công. Tuy nhiên, con số thất thu không dừng lại ở hàng trăm tỷ đồng.
"Xác định giá trị đất là theo giá thẩm định, còn nếu đưa đấu giá dự án này chắc chắn phải là con số hàng nghìn tỷ đồng thất thu cho nhà nước. Những người đầu tư đất này không phải bỏ ra nhiều vốn, mà chỉ lấy quyền đó, với số tiền nộp sau đó thế chấp ngân hàng, chuyển nhượng cho bên thứ 3 và thu lợi", Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Dùng chiêu trò, đường đi loằng ngoằng, ngoắt ngoéo để trục lợi trên các dự án đất công không chỉ xảy ra với những khu đất đã được thanh kiểm tra, thu hồi…, mà trục lợi cũng có thể xảy ra trong tương lai với các quỹ đất công đang tồn tại.
Thất thoát nhà đất công sản
Hiện các tỉnh, thành phố và các tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà ở địa phương đang thực hiện quản lý trên 87.600 cơ sở nhà đất công sản, với tổng diện tích đất là trên 23.700.000 m2.
Theo Bộ Tài chính, gần 200.000 tỷ đồng là số tiền thu được mỗi năm từ việc khai thác, xử lý tài sản công, thu từ giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất thuộc tài sản công, bằng khoảng 12 - 14% tổng thu ngân sách hàng năm.
Số thu này sẽ còn lớn hơn nhiều nếu nhà đất công sản trên cả nước không bị các cá nhân, tổ chức xẻ thịt, cho thuê lại để hưởng chênh lệch, sử dụng sai mục đích để trục lợi hay tư nhân hóa với giá thấp hơn nhiều giá thị trường.
Giải pháp quản lý nhà đất công sản
Tình trạng nhà đất công chưa được quản lý, khai thác hiệu quả không chỉ gây lãng phí nguồn lực, mà còn là mảnh đất màu mỡ phát sinh "nhóm trục lợi" dựa trên "quan hệ thân hữu", gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Đã đến lúc cần có sự thống nhất quản lý, khai thác, sử dụng nguồn lực nhà đất công cho hiệu quả, để đưa nguồn lực lớn này vào phát triển kinh tế - xã hội, thay vì để không ít cá nhân, tổ chức trục lợi, chiếm đoạt như thời gian qua.
Khu đất gần 14.500 m2 được TP Hà Nội giao cho Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam quản lý, sử dụng làm văn phòng tháng 8/2017. Đơn vị nhà nước này đã cho công ty con là Công ty ty Đầu tư Phương Đông thuê lại làm trụ sở văn phòng làm việc.
Tuy nhiên, Công ty Phương Đông đã xây trên khu đất một tổ hợp nhà ở văn phòng và dịch vụ thương mại mà chưa có bất cứ văn bản chấp thuận về mặt chủ trương, hay phương án đầu tư. Bị UBND quận Hoàng Mai đình chỉ xây dựng nhiều lần vì không phép, tới tháng 7/2019, bằng cách nào đó, Phương Đông đã nhận được giấy phép chuyển mục đích sử dụng khu đất. Mục đích ban đầu của cả công ty mẹ, công ty con là thuê đất của nhà nước làm trụ sở văn phòng, sau 2 năm đã biến thành tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại để bán.
"Đất thì ở những vị trí rất đẹp, rất có giá trị nhưng lại giao đất không thông qua hình thức đấu giá đất, không đấu thầu đất, dẫn đến chênh lệch giữa mức mà doanh nghiệp phải trả với mức nhà nước đáng lẽ được hưởng là nó rất lớn", ông Hoàng Anh Công, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá.
Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về việc biến trụ sở nhà đất công sản thành tư. Chưa nói đến các quy định về đầu tư, tiến độ triển khai dự án, công tác quản lý yếu kém, thiếu thượng tôn pháp luật trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất không qua đấu giá... đã khiến hàng chục nghìn nhà đất công sản ở vị trí vàng, vị trí kim cương của Hà Nội bị thâu tóm quá dễ dàng, thậm chí dễ đến nỗi chẳng cần phải dùng tới chiêu trò lòng vòng góp vốn hay thoái vốn doanh nghiệp.
"Tài sản đó vốn là nguồn gốc của nhân dân do Nhà nước quản lý, được chuyển hóa sang từ nhân làm thất thoát tài sản. Thứ hai là gây nhiễu loạn, lũng đoạn ở trong quản lý nhà nước về đất đai nói chung và quản lý tài sản công nói riêng. Thứ ba là làm mất cán bộ. Cán bộ có chức, có quyền đã tha hóa, biến chất, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi thông qua hành vi tham nhũng chính sách, tham nhũng tài sản", ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nhận định.
Tình trạng nhà đất công chưa được quản lý, khai thác hiệu quả không chỉ gây lãng phí nguồn lực, mà còn là mảnh đất màu mỡ phát sinh "nhóm trục lợi" dựa trên "quan hệ thân hữu", gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, để quản lý hiệu quả tài sản nhà đất công cần phải sớm xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về toàn bộ các tài sản công nói chung và nhà đất công nói riêng một cách tập trung, thống nhất, cập nhật và công khai; tránh tình trạng phân tán nhà đất công sản ở nhiều cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương như hiện nay gây khó cho công tác quản lý và giảm hiệu quả đóng góp cho nền kinh tế.
"Lãng phí tài sản thì người ta nhìn thấy ngay là nền quản trị xã hội vẫn chưa tân tiến, chưa thay đổi. Ở tất cả các nước giàu, nghèo trên thế giới, việc quản lý tài sản nói chung, không chỉ là công sản, đều sử dụng số hóa và có rất nhiều công cụ mới hàng ngày cập nhật để quản lý tài sản được hiệu quả hơn. Nó đem lại tài sản không chỉ cho người sử dụng nó mà tài sản đó còn phải đóng thuế cho xã hội", KTS. Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, nói.
"Chúng ta cần phải sửa luật, phải có các quy chế, quy định cụ thể và phù hợp với cuộc sống, phù hợp với thực tế thì mới hạn chế được cái tham nhũng về đất đai, hạn chế được việc lợi dụng kẽ hở để giao đất trái thẩm quyền, có cái lợi ích nhóm và lợi ích khác, tiêu cực", ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp dân Trung ương, nêu quan điểm.
Hà Nội hiện đang quản lý hơn 10.700 nhà đất công sản, nhà chuyên dùng... Đã đến lúc cần có những biện pháp mạnh tay để nâng cao chất lượng quản lý sử dụng nhà đất công như xây dựng chế tài để cơ quan chức năng có thể xác định khung giá thuê đất phù hợp với giá thị trường, từ đó truy thu được những khoản lợi nhuận phát sinh từ việc cho thuê, sử dụng đất không đúng mục đích.
Trục lợi nhà đất công VTV.vn - Công tác quản lý đang có nhiều yếu kém khiến một nguồn lực rất lớn từ nhà đất công sản bị chảy sang túi tư nhân và nhóm lợi ích.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!