Điểm chung của các công ty cho vay tín dụng đen qua ứng dụng (app) di động là không hoạt động trực tiếp tại địa chỉ trụ sở đã đăng ký với cơ quan quản lý.
Anh Bảo từng làm việc tại một công ty cho vay qua app cho biết, công ty có nhiều hơn một địa điểm hoạt động được giấu kín. Những nơi luôn được kiểm soát ra vào nghiêm ngặt và cũng thường được dời đi chỗ khác đột xuất.
Một công ty cho vay app thường có một sản phẩm app vay chính, nhưng cũng có ít nhất 3 - 5 app con khác để dễ dàng cho con nợ vay khoản mới trả khoản cũ, cũng để dễ dàng "ve sầu thoát xác" khi cần.
Nhiều người bị cuốn vào vòng luẩn quẩn vay app mới để trả app cũ.
Dòng tiền thu nợ từ người vay cũng được ẩn nấp qua nhiều loại tài khoản ngân hàng của các pháp nhân tổ chức và cá nhân khác nhau. Thậm chí có trường hợp người vay này đã từng trả nợ qua hàng chục số tài khoản khác nhau tại một ngân hàng, nhưng đáng chú ý, các số tài khoản này đều chỉ thể hiện một người là chủ tài khoản.
Theo luật sư Trần Minh Hải, hiện hệ thống pháp luật chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng về hoạt động cho vay có ứng dụng công nghệ nên đã tạo môi trường thuận lợi để một bộ phận các công ty cho vay qua app hoạt động lách luật, biến tướng.
Người vay tiền qua app không chỉ lãi suất cao ngất, mà còn bị khủng bố, đe dọa nếu không trả tiền đúng hạn.
Đầu tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra dự thảo lấy ý kiến về cơ chế thử nghiệm công nghệ tài chính (fintech), trong đó có hình thức cho vay ngang hàng đang bị nhiều công ty cho vay qua app núp bóng danh nghĩa để hoạt động biến tướng.
Giới chuyên gia nhận định, việc không có hành lang pháp lý rõ ràng cũng tạo ra sự bát nháo cho thị trường khiến nhà đầu tư bài bản e ngại bước vào thị trường tài chính vi mô, vốn có nhiều dư địa tăng trưởng ở Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!