Tình trạng thiếu đơn vị chiếu xạ đã diễn ra từ lâu khi lượng hàng trái cây cần chiếu xạ tăng lên qua từng năm. Thế nhưng hiện nay, vẫn chỉ có một đơn vị được phép cung cấp dịch vụ này suốt một thời gian dài. Với một sân chơi chỉ "một mình một ngựa"- không chỉ ảnh hướng đến các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam.
Tại sao chỉ có 1 đơn vị chiếu xạ đi Mỹ?
Theo quy định của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS), nếu Việt Nam muốn tham gia chương trình chiếu xạ trái cây vào Mỹ, phía Việt Nam phải bỏ ra một khoản kinh phí trước gọi là Trust Fund. Quỹ này dùng để chi trả cho các chuyên gia Mỹ sang Việt Nam hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm dịch từng lô hàng trước khi xuất khẩu.
Chi phí tài chính này được thực hiện theo từng năm. Thời điểm 2008, kinh phí Nhà nước chưa đáp ứng nên Công ty Sơn Sơn đã thanh toán các khoản phí này và trở thành đối tác duy nhất của thực hiện chiếu xạ quả tươi xuất khẩu sang Mỹ. Như vậy, để tham gia cung cấp dịch vụ chiếu xạ trái cây vào Mỹ phải có sự đồng ý của cả ba phía.
Bước một là được Cục Bảo vệ thực vật cấp phép. Sau đó, cam kết về tài chính với Công ty Sơn Sơn là co-operator của chương trình. Bước cuối cùng, APHIS sẽ đánh giá lại và cấp phép cho nhà máy chiếu xạ nếu đủ điều kiện.
Năm 2018, tổng sản lượng trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ phải qua chiếu xạ đạt gần 7.500 tấn các loại, tăng 75 lần so với 10 năm trước. Nhu cầu chiếu xạ từ doanh nghiệp vì thế cũng tăng theo, do đó việc tháo gỡ những vướng mắc để có thêm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này là rất cần thiết.
Giải quyết điểm nghẽn chiếu xạ
Theo Cục Bảo vệ thực vật, mong muốn tăng số lượng đơn vị tham gia chiếu xạ đi Mỹ đã được thực hiện từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Mức ký quỹ hàng năm là 400.000 USD/ năm. Theo Cục Bảo vệ thực vật, vì chỉ có 1 doanh nghiệp gánh phần chi phí này nên giá thành chiếu xạ của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên tạo cơ chế thông thoáng và công bằng trong giải quyết vấn đề gia nhập thị trường chiếu xạ cho những đơn vị mới. Điểm nghẽn chiếu xạ được tháo gỡ sớm sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình chiếu xạ, giúp giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!