Đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ. với đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra sáng nay (8/8).
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 1 năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Tình hình vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng do chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Ở Việt Nam, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, đời sống nhân dân gặp khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ… đặc biệt là các ngành hàng không, du lịch. Trong bối cảnh này, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã và đang rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ. Chính vì vậy, Hội nghị này là dịp quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị. Tinh thần chung là phải đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp; phân tích kỹ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và tìm cho được các giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong tình hình cấp bách hiện nay cũng như lâu dài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Chính phủ luôn luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp những lúc khó khăn với tinh thần lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ. Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ to lớn cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần có các biện pháp chống dịch quyết liệt, kịp thời và hiệu quả để trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống của nhân dân. Đồng thời, chúng ta cần giữ vững và phục hồi hoạt động xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất không để đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và chuỗi lao động".
Thủ tướng nhấn mạnh, ở thời điểm "lửa thử vàng - gian nan thử sức", "chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo", cả nước, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã quyết tâm phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng, phải cố gắng nhiều hơn nữa, để vượt qua khó khăn, dự báo, nắm bắt cơ hội phát triển.
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, các doanh nghiệp đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và ngân sách còn rất eo hẹp, nhưng Chính phủ đã hết sức nỗ lực bố trí, thu xếp các nguồn ngân sách để có những khoản hỗ trợ rất thiết thực. Nhiều ý kiến đề nghị đề nghị Chính phủ, các cơ các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vaccine chống dịch đối đối với công nhân, người lao động; tiếp tục tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách; triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp để ngày càng mở rộng, thiết lập các "vùng xanh"; đồng thời có những giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã tham gia.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, sát thực tế, thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm cao giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, doanh nghiệp, và những nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để phòng, chống dịch bệnh; tin tưởng với truyền thống, giá trị tốt đẹp, trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ sớm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phục hồi và phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua dịch bệnh trên thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp. Song với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong 6 tháng qua, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 5,64%; Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 7 tháng đạt gần 68% dự toán, tăng 15,6%, vốn đầu tư FDI tăng 3,8% so cùng kỳ; lạm phát thấp; kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng khá; an ninh, quốc phòng được bảo đảm…
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, trước mắt và lâu dài đan xen thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức nhưng thách thức và khó khăn nhiều hơn. Vì vậy phải tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp, mục tiêu đã đề ra, trong đó ưu tiên số 1 lúc này trên phạm vi cả nước là ngăn chặn dịch bệnh, chỗ nào an toàn mới sản xuất. Thủ tướng nhắc lại tinh thần "chống dịch như chống giặc", chuyển từ phòng ngự sang tấn công, chúng ta đặt mục tiêu cao nhất là không để xảy ra khủng hoảng y tế, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; không để xảy ra khủng hoảng kinh tế-xã hội; phấn đấu cao nhất đưa đất nước ta trở lại bình thường, chậm nhất là cuối năm 2021 đầu năm 2022. Để làm được điều này, theo Thủ tướng phải thực hiện thật tốt phòng, chống dịch, trong đó phải giãn cách xã hội, cách ly triệt để giữa người với người, bằng các biện pháp thống nhất, giám sát phải chặt chẽ. Chúng ta quyết tâm hy sinh một, hai tháng để xanh hóa vùng đỏ; chấp nhận mất mát hy sinh để đổi lại có sự bình yên, khỏe mạnh.
Trước những khó khăn mang tính lịch sử, nặng nề, tác động "tứ phương, bốn hướng", Thủ tướng một lần nữa khẳng định Đảng, Nhà nước rất thấu hiểu và chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đây là thời điểm khó khăn, nhưng không vì thế đánh mất lạc quan, bản lĩnh, niềm tin chiến thắng, mà phải xác định càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải giữ bản lĩnh, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến, trí tuệ tập thể, sự đoàn kết của toàn dân để chống dịch và sản xuất bởi mỗi người dân khỏe mạnh, mỗi doanh nghiệp khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh. Một trong những giải pháp chống dịch được Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh là thực hiện chiến lược vaccine đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt bằng mọi kênh, mọi cơ chế.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đang nỗ lực, làm hết sức có thể, cân đối vĩ mô hợp lý, hài hòa, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương, đồng thời tiếp tục thực hiện phân quyền, phân cấp, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và thực hiện kiểm tra, giám sát. Tới đây Thủ tướng sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với các vấn đề cụ thể, Thủ tướng giao: Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine, trong đó phải thúc đẩy hợp tác công-tư trong chiến lược vaccine, đẩy mạnh tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên không phụ thuộc địa giới hành chính. Chính phủ khuyến khích mua vaccine nhưng Bộ Y tế phải thể hiện vai trò quản lý nhà nước về việc này như: giám sát chất lượng, cấp phép, tổ chức bảo quản, tổ chức tiêm miễn phí và chống mọi biểu hiện tiêu cực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nắm tình hình, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng đưa ra giải pháp kịp thời về tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế-xã hội; Bộ Tài chính khẩn trương triển khai giải pháp miễn giảm thuế, phí, nhanh chóng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Có giải pháp về thị trường chứng khoán. Giải quyết các liên quan tài khóa, chú ý cân đối vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, nợ công. Tinh thần chung của Chính phủ là đẩy mạnh hợp tác công-tư, phải phát huy nguồn lực nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp hài hoà các chính sách vĩ mô khác để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục thực hiện chính sách hoãn, giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới, cân đối giảm lãi suất để hỗ trợ ng dân và DN. Bộ Giao thông Vận tải xây dựng các giải pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa, trong đó, mọi chính sách đưa ra phải thực hiện nhất quán và đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, không được đẻ ra các giấy phép con. Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy hoàn thiện các biện pháp công nghệ trong phòng, chống dịch; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đôn đốc giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp. Có thể mở rộng đối tượng, quy mô trong điều kiện cho phép; Bộ Công Thương nhanh chóng kết nối tiêu thụ hàng hóa; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm đầy đủ hàng hóa lương thực, nguyên liệu phục vụ sản xuất và dân sinh. Bộ Xây dựng nghiên cứu quy hoạch và xây dựng khu nhà ở cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động để chống chọi với những cú sốc, phát triển bền vững. Yêu cầu các địa phương đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ đã được ban hành; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì sản xuất kinh doanh nếu có đủ điều kiện; hạn chế tối đa các hoạt động thanh, kiểm tra trong khi đang phải thực hiện các biện pháp chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ luôn thể hiện tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và Doanh nghiệp. Nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, xem doanh nghiệp và người dân là chủ thể để phục vụ, luôn chia sẻ, thấu hiểu, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp những lúc khó khăn. Đây là thử thách rất lớn nhưng Thủ tướng tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp sẽ vượt qua thử thách này với chữ: Tâm - Tài - Trí - Tín.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!