Nhà máy sản xuất máy bay của Tập đoàn Boeing. (Ảnh: CNN)
Lần lượt Canada, Mexico rồi đến châu Âu đều doạ tăng thuế đối với hàng Mỹ nhập khẩu nhằm trả đũa việc Mỹ tăng thuế đối với nhôm và thép của các quốc gia này. Nhưng bất chấp những phản ứng gay gắt từ các đối tác, chính quyền Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục các chính sách cứng rắn nhằm bảo hộ mậu dịch và sản xuất trong nước.
Xử lý thâm hụt thương mại là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump ngay từ những ngày đầu cầm quyền. Đối với Mỹ thuế và hàng rào phi thuế quan vừa là nguyên nhân, vừa là giải pháp đối với tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ trước các đối tác lớn.
Nhưng vấn đề là trong khi chưa cải thiện được bao nhiêu tình trạng thâm hụt thương mại thì nhiều quan hệ đối ngoại của Mỹ có dấu hiệu đi xuống. Không chỉ Trung Quốc, Mỹ còn tăng thuế lên tới 25% đối với thép và 10% đối với nhôm của các đồng minh châu Âu và cả những láng giềng phên dậu như Canada và Mexico. Thậm chí, Mỹ sẵn sàng bỏ qua những hệ thống thương mại toàn cầu để bảo vệ lợi ích quốc gia nếu cần thiết.
Cuối tuần này lãnh đạo các cường quốc kinh tế hàng đầu sẽ có dịp để thảo luận trực tiếp với Tổng thống Mỹ về những bất đồng về thương mại trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada. Nhưng với những gì cố vấn kinh tế nhà Trắng chia sẻ với báo giới, ít khả năng Mỹ sẽ xuống nước cho đến khi cán cân thương mại nghiêng theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!