Kinh tế luôn là vấn đề chi phối trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong một cuộc khảo sát của hãng thông tấn AP, 45% người được hỏi cho rằng ứng cử viên Donald Trump sẽ điều hành kinh tế tốt hơn. Tỷ lệ này với bà Kamala Harris là 38%.
Một trong những chính sách kinh tế được nhiều thị trường xuất khẩu vào Mỹ quan tâm đó là thuế quan. Những chính sách này dự báo sẽ tác động nhất định tới bức tranh lạm phát và chính sách tiền tệ toàn cầu hậu bầu cử. Theo các chuyên gia, cách tiếp cận của ông Donald Trump và bà Kamala Harris về thuế quan nhập khẩu khá tương đồng, chỉ khác nhau về mức độ áp dụng.
Cựu Tổng thống Mỹ Trump đề xuất mức thuế chung 10% - 20% với tất cả sản phẩm nhập khẩu. Với các sản phẩm từ Trung Quốc, ông muốn áp mức thuế 60% - 100%. Ông cũng tuyên bố sẽ áp mức thuế 200% với ô tô nhập khẩu từ Mexico. Với bà Harris, bà vẫn muốn duy trì chính sách thuế quan nhập khẩu theo từng nhóm ngành hiện nay từ mức 10% - 25%.
Ông Heng Koon How - Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, UOB nhận định: "Đảng Cộng hòa khẳng định chính sách thuế nhập khẩu của ông Trump sẽ không làm tăng lạm phát mà thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên rất nhiều sản phẩm thiết yếu của Mỹ là nhập khẩu nên việc tăng thuế sẽ ít nhiều gây ra những rủi ro lạm phát giá tiêu dùng cao hơn. Với bà Harris, đề xuất thuế thấp hơn hơn nên ít gây ra lạm phát cho kinh tế Mỹ".
Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cảnh báo mức thuế mới mà ông Trump đề xuất nếu áp dụng sẽ khiến một hộ gia đình Mỹ điển hình phải trả từ 2.600 - 4.000 USD/năm.
"Thực tế nếu thuế quan đánh vào hàng hóa nhập khẩu tăng lên những hộ gia đình thu nhập thấp sẽ bị tác động rất lớn do phần lớn thu nhập của họ là dành cho chi tiêu hàng hoá thiết yếu mỗi tuần. Chưa kể việc các quốc gia khác cũng sẽ đáp lại bằng cách tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ khi bán vào nước họ", bà Kimberly Clausing - Trường Đại học Luật UCLA nhận định.
Bà Kamala Harris và ông Donald Trump. Ảnh: The New York Times
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo, các nền kinh tế châu Á, đặc biệt tại Đông Nam Á vốn xuất khẩu nhiều vào thị trường Mỹ cần theo dõi sát các chính sách thuế quan mới do tác động đến tỷ giá đồng USD.
Ông Heng Koon How - Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, UOB đán giá: "Một khi lạm phát cao hơn có thể dẫn đến một lộ trình cắt giảm lãi suất ít hơn từ FED. Thực tế, tháng 10 đồng bạc xanh đã lội ngược dòng tăng trở lại khiến các đồng tiền châu Á như Ringgit của Malaysia, Rupiah của Indonesia… giảm do lo ngại những rủi ro từ đề xuất thuế quan của ông Trump. Hệ quả là doanh thu xuất khẩu có thể sẽ không đạt kỳ vọng trong thời gian tới".
Hiện cử tri tại có 7 bang chiến trường, hay còn gọi là "bang dao động" vẫn chia rẽ về việc ủng hộ và phản đối quan điểm thuế quan của 2 ứng cử viên. Các tác động sẽ cần chờ đợi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến sẽ có sau ngày 5/11 tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!