Trong quý III, dư nợ cho vay ký quỹ (hay còn gọi margin) của các công ty chứng khoán tiếp tục lập đỉnh mới, đạt hơn 225.000 tỷ đồng. Theo công ty dữ liệu tài chính Wigroup, con số này tăng gần 5.000 tỷ đồng so với quý III. Tuy nhiên, lượng vay chủ yếu đến từ các doanh nghiệp, chứ không phải từ các nhà đầu tư trên thị trường. Cùng với đó, giá trị giao dịch hàng ngày trên thị trường lại sụt giảm. Vậy nguồn tiền vay từ công ty chứng khoán chảy vào đâu?
Khi một doanh nghiệp cần vốn thì có thể đi vay ngân hàng. Nhưng sẽ cần nhiều thủ tục như chứng minh tài sản đảm bảo, khả năng trả nợ, nên không ít doanh nghiệp đã chọn vay từ các công ty chứng khoán thông qua hoạt động margin hay gọi nôm na là cầm cố chính những cổ phiếu do mình nắm giữ với mức vay và rút tiền mặt có thể lên tới 70% giá trị cổ phiếu.
Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp bất động sản đang thiếu hụt thanh khoản, nhiều doanh nghiệp thiếu hụt tương đối trầm trọng. Một phần họ có thể sử dụng để thực hiện các nghĩa vụ trả nợ, trả lãi vay. Hoặc có những doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn vốn ấy để triển khai một số khâu của dự án, ví dụ như giải phóng mặt bằng, họ hoàn toàn có thể tận dụng nguồn vốn từ công ty chứng khoán”.
Trong quý III, dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán tiếp tục lập đỉnh mới
Nguồn tiền vay từ các công ty chứng khoán lại không chảy vào thị trường chứng khoán và điều này đã lý giải vì sao tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn trong quý III đã giảm hơn 26,5% so với quý trước. Cùng với đó, áp lực trả nợ gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp từ nay đến cuối năm lên tới gần 65.000 tỷ đồng, trong đó hơn 33% thuộc nhóm bất động sản đã khiến thanh khoản sụt giảm.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết chia sẻ: “Đối với nhiều doanh nghiệp, họ có danh mục đầu tư, hoặc cổ đông lớn sở hữu nhiều cổ phiếu để họ có thể bán trên thị trường, qua đó chuẩn bị tài chính để có thể hỗ trợ công ty trong việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Khi áp lực này lớn, thanh khoản trên thị trường chủ yếu theo chiều hướng tăng theo chiều giá giảm và giảm trong chiều giá lên”.
Thống kê cho thấy, nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã rút tiền ra khỏi tài khoản để tham gia vào các kênh đầu tư khác do thu lời nhanh hơn trong ngắn hạn.
Ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest nhận định: “Giai đoạn thị trường giao dịch sôi động như vừa qua, chúng ta thấy hiện tượng sốt đất, sốt đấu giá, các nhà đầu tư cũng phân bổ một phần. Thực tế, có hiện tượng người ta rút tiền ra tham gia các hoạt động đầu tư lướt sóng bất động sản”.
Mặc dù, hiện tỷ lệ cho vay của các công ty chứng khoán vẫn trong ngưỡng quy định, tuy nhiên, do tập trung cho vay để rút tiền mặt, dòng tiền không ở lại thị trường chứng khoán thì khi cổ phiếu có biến động mạnh, rất có thể làm suy yếu tính ổn định của thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!