Chốt áp giá trần với vé máy bay, sách giáo khoa

Thùy An-Thứ hai, ngày 19/06/2023 16:26 GMT+7

(Ảnh minh họa)

VTV.vn - Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định giá trần đồng thời không áp định giá sàn với sách giáo khoa tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Bỏ thịt lợn khỏi mặt hàng bình ổn giá

Chiều 19/6, với 92,91% đại biểu Quốc hội tán thành (459/476 đại biểu tán thành), Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi).

Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết với mặt hàng thịt lợn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cơ bản lớn trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, tỉ lệ sử dụng thịt lợn trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, chỉ ở mức 40-45% so với mức 65-70% như trước đây.

Việc áp dụng bình ổn giá đồng nghĩa với việc phải kê khai giá và khó khả thi khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh; giá biến động từng ngày đối với mặt hàng này nên các cá nhân kinh doanh cơ bản sẽ khó thực hiện quy định kê khai giá như dự thảo luật quy định.

Chốt áp giá trần với vé máy bay, sách giáo khoa - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh

Theo quy định hiện hành, mặt hàng "thịt lợn" không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và thực tế diễn biến thị trường trong thời gian qua cũng không đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đưa vào thực hiện bình ổn giá.

Do vậy, tại thời điểm hiện nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép không quy định các mặt hàng này tại danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Áp giá trần, không quy định giá sàn với sách giao khoa

Liên quan đến vé máy bay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường hàng không còn mang tính cạnh tranh hạn chế; việc thúc đẩy các loại hình vận tải phát triển đồng bộ, hiện đại còn phải phấn đấu.

Đặc biệt là khi đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao chưa được triển khai, vận hành; khi chưa đánh giá được tác động và hệ quả của việc bỏ quy định về giá trần; để một mặt đảm bảo quyền chủ động của các hãng hàng không, song mặt khác vẫn bảo vệ quyền lợi của người dân thì Nhà nước vẫn cần giữ quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

"Trên cơ sở căn cứ bối cảnh thực tế, nghiên cứu thận trọng các luồng ý kiến khác nhau, dựa trên nguyên tắc quyết định theo đa số, tại thời điểm hiện nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa", báo cáo nêu.

Chốt áp giá trần với vé máy bay, sách giáo khoa - Ảnh 2.

Luật Giá (sửa đổi) áp giá trần và không quy định giá sàn với sách giáo khoa (Ảnh minh họa)

Về sách giáo khoa, để ổn định thị trường đối với giá sách giáo khoa, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép chỉ quy định giá trần, không quy định giá sàn đối với mặt hàng sách giáo khoa tại dự thảo Luật.

Lý giải về việc áp giá trần với sách giáo khoa, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là mặt hàng thiết yếu, đối tượng tiêu dùng rất lớn, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến số đông người dân, trong đó có người thu nhập thấp.

Hiện nay, trong phương pháp tính giá sách giáo khoa, các nhà xuất bản cộng cả chi phí phát hành sách, mức chiết khấu rất cao (năm học 2022-2023, mức chiết khấu đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35% giá bìa) dẫn đến đẩy giá sách lên cao so với thu nhập của nhiều người dân. Vì vậy, cần thiết phải có công cụ kiểm soát để bảo đảm không tác động tiêu cực người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước