Nguyên nhân nằm ở những sai phạm của chủ đầu tư. Những con số khiến nhiều người suy ngẫm bởi quyền lợi hợp pháp của hàng chục nghìn người mua nhà bị xâm phạm nghiêm trọng. Người dân rơi vào thế bị mắc kẹt nhiều năm. Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất (sổ đỏ, sổ hồng) có nghĩa là người dân có nhà nhưng không có quyền định đoạt đới với tài sản của chính mình.
Chung cư New Horizon City tại 87 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội có gần 1.300 căn hộ. Tuy nhiên, mới chỉ hơn 200 căn hộ được cấp chứng nhận quyền sở hữu. Hơn 1.000 căn còn lại, dù nhiều người mua nhà đã hoàn tất 100% tiền nhà, đóng thêm 3 triệu tiền phí dịch vụ làm sổ đỏ theo yêu cầu của chủ đầu tư, nhưng họ vẫn mỏi mòn chờ đợi suốt 6 - 7 năm qua.
"Ban quản lý nói là làm dịch vụ thì đóng thêm 3 triệu nữa. Tôi cũng không nghĩ là chủ đầu tư lừa đảo như thế, thành ra tôi chuyển tiền 3 triệu nữa. Giờ không phải riêng nhà tôi, mà rất nhiều hộ ở đây hiện nay chưa có sổ", ông Vũ Thiện Chính, HH1, Chung cư New Horizon City, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ.
Không có giấy chứng nhận quyền sở hữu, rất nhiều rắc rối đã đến với hàng nghìn người dân mua nhà nơi đây, bởi họ không có quyền định đoạt tài sản của chính mình.
"Người ta sẽ không nhập khẩu cho mình khi không có sổ hồng, sổ đỏ. Khi không có sổ hồng, sổ đỏ, người dân phải chịu thanh toán hóa đơn sinh hoạt ở mức độ kinh doanh. Nhà sinh hoạt bình thường có thể mất 600.000 - 700.000 tiền nước. Thậm chí có nhà 12 - 13 triệu, có nhà show lên cho chúng tôi để đấu tranh thì lên đến 25 triệu tiền nước", anh Nguyễn Thanh Nam, N02, Chung cư New Horizon City, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết.
"Mua nhà cách đây 6 - 7 năm, bây giờ muốn có sổ đỏ để mình bán cho tiện, nhưng không có sổ đỏ nên họ không muốn mua, vì họ bảo không có sổ đỏ họ mua họ ngại", bà Lê Thị Thắm, N02, Chung cư New Horizon City, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội, nói.
"Bỏ ra trên dưới 2 tỷ để ở, nó là một tài sản. Không có sổ thì không thể chứng minh được chủ quyền, không làm được những vấn đề liên quan đến kinh tế, thừa kế chuyển nhượng, nên cư dân rất là bức xúc", ông Phạm Huy Hưng, HH1, Chung cư New Horizon City, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội, bày tỏ.
Đại diện Ban Quản trị chung cư cho biết, sở dĩ quá trình cấp sổ đỏ tại dự án này bị "treo" do cơ quan chức năng phát hiện nhiều sai phạm của chủ đầu tư. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, chủ đầu tư lại chây ỳ không khắc phục các sai phạm.
"Chủ đầu tư không nộp gần 500 tỷ đồng tiền thuế cho nhà nước. Đó là sai phạm cực kỳ lớn. Trong vấn đề xây dựng vi phạm chỉ giới đỏ là sự liên thông tầng hầm, làm cho cơ quan nhà nước, chính quyền không cấp sổ đỏ cho chúng tôi", anh Nguyễn Thanh Nam, N02, Chung cư New Horizon City, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết.
"Cư dân người ta cũng tập trung đơn từ gửi đi khắp mọi nơi để các cơ quan ban ngành có trách nhiệm để giải quyết. Nhưng rất nhiều công văn, thanh tra kiểm tra rồi, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả thỏa đáng cho người dân", ông Phạm Huy Hưng, HH1, Chung cư New Horizon City, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội, nói.
Đặc biệt, ngoài rất nhiều sai phạm, dự án chung cư này đã được chủ đầu tư mang đi thế chấp, cầm cố tại Ngân Hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Hà Thành từ năm 2014, cũng có nghĩa việc được cầm giấy chứng nhận quyền sở hữu của người mua nhà là rất khó thành hiện thực, nếu các cơ quan chức năng tiếp tục làm ngơ không tìm ra biện pháp xử lý, không truy xét hồi tố trách nhiệm và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các sai phạm.
Theo Nghị định 148 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, ban hành cuối năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ cấp giấy chứng nhận sở hữu cho các dự án có đủ hồ sơ hợp lệ. Tuy nhiên tới hiện tại, vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết để xử lý các trường hợp vướng mắc cấp sổ đỏ cho người dân tại các chung cư có sai phạm. Còn người dân tiếp tục chờ đợi chưa biết đến bao giờ.
Chính quyền vào cuộc, 15.000 sổ đỏ được trả cho dân
Ngược lại với nỗi bức xúc của người dân mua nhà tại dự án vướng nhiều sai phạm ở quận Hoàng Mai, ở huyện Mê Linh, Hà Nội, sau 5 năm, hàng chục nghìn hộ gia đình, người dân bức xúc việc không được cấp sổ đỏ đất nông nghiệp dồn điền đổi thửa theo quy định, mới đây, chính quyền cơ sở đã nhận khuyết điểm và vào cuộc mạnh mẽ. Mọi vướng mắc được tháo gỡ tới từng hộ gia đình. Chỉ trong vòng 2 tháng, có tới gần 15.000 sổ đỏ đã được cấp cho người dân.
Người dân huyện Mê Linh đã quá quen với tiếng loa phát thanh hướng dẫn các thủ tục hành chính chuyển đổi để được cấp sổ đỏ đất nông nghiệp dồn điền đổi thửa.
Chỉ trong 2 tháng qua, tại huyện Mê Linh, Hà Nội, 15.000 sổ đỏ đã được cấp trả cho người dân. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Mấy tháng nay, ông Điều (Trưởng Thôn 1, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) cũng như nhiều trưởng thôn khác được huy động đi từng nhà thu gom sổ cũ, nhận các giấy tờ liên quan để mang lên phòng địa chính xã, trợ giúp các hộ gia đình xác minh, đính chính, làm giấy chứng nhận quyền sở hữu.
"Nó đúng là hơi phức tạp, hơi nhiều công việc, qua các phương tiện thông tin đại chúng của xã, đài truyền thanh đã phát, cùng với đó thôn cũng phải triển khai tới từng gia đình để cho người ta nắm bắt được", ông Phùng Quang Điều, Trưởng Thôn 1, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, cho biết.
Dồn điền, đổi thửa được xem là khâu đột phá, đồng ruộng được quy hoạch lại, đi kèm với giao thông, thủy lợi hoàn chỉnh, tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất theo chủ trương của TP Hà Nội. Tuy nhiên, đằng đẵng từ 2016 tới 2021, người dân nhiều xã mòn mỏi chờ xác minh địa chính, chờ để được cấp sổ đỏ mới và nhiều hộ gia đình gặp không ít khó khăn trong suốt thời gian 5 năm đó, khi sổ cũ đã bị thu hồi, còn sổ mới chưa được cấp.
"Nhiều cái hơi khó khăn cho những hộ gia đình có nhu cầu tách thửa đất cho con cái. Thứ hai là có những hộ chuyển nhượng cho nhau. Thứ ba là có những hộ cần vay vốn ngân hàng, trong thời gian thu bìa đỏ mà chưa hoàn trả cho người ta thì những hộ đó cũng gặp khó khăn", ông Phùng Quang Điều, Trưởng Thôn 1, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, cho biết thêm.
"Nguyên nhân chủ quan là thứ nhất người dân không nộp lại các sổ cũ, sổ đỏ được cấp trước đây, để nhận cái sổ đỏ mới khi dồn ghép. Nguyên nhân nữa là có một phần hơi thiếu trách nhiệm của cán bộ khi chưa thực sự quan tâm quyết liệt trong việc này", ông Trần Nguyễn Ngọc, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, cho hay.
Từ đầu năm tới nay, sau khi thừa nhận công tác quản lý cấp sổ đỏ còn yếu, với sự quyết tâm vào cuộc, các cấp chính quyền huyện Mê Linh đã liên tục đốc thúc. Chỉ trong 2 tháng qua, 15.000 sổ đỏ đã được cấp trả cho người dân.
"Trong quá trình tiếp xúc cử tri, một số công dân cũng yêu cầu trả sổ sớm để yên tâm sản xuất. Thực hiện theo nguyện vọng đó, huyện ủy và UBND huyện đã vào cuộc chỉ đạo rất quyết liệt đối với phòng tài nguyên môi trường và chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên Môi trường. Tất cả các cấp ủy chính quyền tập trung và phải hoàn thành cái kế hoạch này trước 31/5", ông Trần Nguyễn Ngọc, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, nhấn mạnh.
Trong 2 tháng xử lý mọi vướng mắc và cấp trả 15.000 sổ đỏ cho người dân, con số này cho thấy, mọi bài toán đều có lời giải, không có gì là quá khó trong việc xem xét, xử lý các vướng mắc khi cấp sổ đỏ, chỉ là các cơ quan chức năng có muốn làm cho dân, vì dân hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!