Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế: Cảnh báo thiếu điện đã đưa ra từ vài năm trước

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 09/06/2023 14:05 GMT+7

VTV.vn - Theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra rất rõ những doanh nghiệp chậm ở các dự án nguồn điện, do các tập đoàn năng lượng triển khai đầu tư.

Trả lời bên hành lang Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Quốc hội khi tổng kết Nghị quyết 31 về dừng đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Ủy ban Kinh tế đã kiến nghị xem xét lại chủ trương đầu tư lĩnh vực này.

Bởi, việc phát triển các nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) tỉ lệ phát có mức độ, chiếm tỉ trọng nhất định trong tổng đầu tư chứ không thể phát triển ồ ạt như thời gian vừa qua.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế: Cảnh báo thiếu điện đã đưa ra từ vài năm trước - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Dẫn lại câu nói của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên "không có cái nắng, cái gió, phải có cái đó chen vào", ông Vũ Hồng Thanh cho rằng: "Ban ngày có nắng thì mới có điện mặt trời, còn ban đêm không có nắng thì lấy đâu ra.

Năng lượng tái tạo phát triển nhiều ở vùng không có phụ tải, phải truyền tải đi xa, muốn làm vậy phải có quy hoạch, kế hoạch, chiến lược đầu tư rõ ràng. Còn đầu tư rồi, không đồng bộ với truyền tải thì không được", ông Thanh nêu quan điểm.

Nhắc lại việc đã đưa ra cảnh báo thiếu điện từ vài năm trước, ông Thanh cho rằng, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi lại ở mức khoảng 6-7%, tình trạng thiếu điện sẽ còn diễn ra nhiều hơn chứ không phải chỉ như hiện nay.

Nói về nguyên nhân thiếu điện, ngành điện cho rằng, do nắng nóng dẫn đến tiêu thụ điện tăng vọt, nên phải cắt điện luân phiên để giảm tải. Thế nhưng, một thực tế khác được chỉ ra là trong những năm qua không có dự án nào lớn được đầu tư, và nếu có thì cũng chậm triển khai.

Việc này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đã "có báo cáo cả rồi". Ông Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra rất rõ những doanh nghiệp chậm ở các dự án nguồn điện, do các tập đoàn năng lượng triển khai đầu tư, bao gồm Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than và Khoáng sản.

Đặt trong bối cảnh thực hiện Quy hoạch điện VIII, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhìn nhận sẽ có nhiều bài toán đặt ra để đảm bảo cung ứng điện.

Nêu rõ thực tế về phát triển thủy điện, ông Vũ Hồng Thanh cho biết hiện nguồn này đã khai thác tới 80% công suất và gần như "không còn dư địa phát triển".

Trong khi đó, việc phát triển nguồn nhiệt điện than phải được đặt trong mối quan hệ với những cam kết của Việt Nam tại COP26. Vì vậy, ông Thanh cho rằng, việc ứng xử với điện than cũng là câu chuyện phải tính. Ông cho biết, tới đây Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ thực hiện chuyên đề giám sát về năng lượng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế: Cảnh báo thiếu điện đã đưa ra từ vài năm trước - Ảnh 2.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, tới đây Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ thực hiện chuyên đề giám sát về năng lượng

Cũng liên quan về việc cung ứng điện, ông Phạm Văn Hoà - (đoàn Đồng Tháp) nêu thực trạng, hiện nay, nhiều dự án điện tái tạo đã hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể đấu nối lên lưới quốc gia được do vướng các thủ tục hành chính. Ông Hoà cho rằng, "trách nhiệm quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước".

Song, ông Hoà cũng cho biết, thời gian qua, phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã giải trình đã làm việc với chủ đầu tư, nhưng chưa thống nhất hết về mặt giá cả. Nhiều doanh nghiệp cũng đã nộp đơn và ngồi lên bàn đàm phán giá với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

"Tôi kỳ vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ sẽ thực hiện được phương án huy động các nguồn điện để đảm bảo đủ điện cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh", ông Hoà nói.

Hôm 7/6, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Trần Việt Hoà cho biết nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới.

Theo ông Hoà, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh). Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.

Trước tình hình có khả năng ảnh hưởng đến an toàn vận hành hệ thống điện, trong những ngày vừa qua EVN đã phải tiến hành điều tiết giảm phụ tải tại miền Bắc, ngày 5/6 tổng công suất phụ tải tiết giảm là 3.609 MW lúc 16h30, trong đó tiết giảm phụ tải công nghiệp lớn nhất khoảng 1.423MW, tiết giảm phụ tải sinh hoạt lớn nhất là 1.264MW.

"Với bất kỳ lý do gì thì việc để thiếu điện để cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm không thể biện minh của cơ quan quản lý Nhà nước, ngành điện, chúng tôi xin gửi lời xin lỗi tới nhân dân, doanh nghiệp. Đây là lúc chúng ta để có những giải pháp khả thi từ đó giải quyết khó khăn", ông Hòa chia sẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước