Sau rất nhiều nỗ lực của cả hai bên trong gần 10 năm từ khi phát động đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) sẽ được ký vào ngày 30/6. Hiệp định này được Liên minh châu Âu (EU) đánh giá là tham vọng nhất khối này từng ký với một quốc gia đang phát triển.
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham, cho biết: "Việt Nam là một quốc gia đang phát triển mạnh trong khu vực. Theo quan sát, kể từ khi bắt đầu "Đổi mới" vào năm 1996, Chính phủ Việt Nam đã có một chính sách nhất quán để mở cửa kinh tế. Đất nước của các bạn đang là một phần của chuỗi giá trị toàn cầu, hàng năm, lượng hàng hóa xuất khẩu có trị giá lên đến 200 tỷ Euro. Các bạn cũng đã ký kết 16 văn bản hợp tác với nhiều nhóm kinh tế khác nhau, một con số tôi cho rằng rất ấn tượng đối với một nước châu Á đang vươn lên phát triển, nên việc châu Âu muốn trở thành một đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là hoàn toàn hợp lý. Đây sẽ là hiệp định FDI quan trọng nhất từng được ký kết.
Những ngành xuất khẩu nổi bật sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ hiệp đinh này phải kể tới xuất khẩu hải sản và dệt may của Việt Nam. Ngược lại, từ phía châu Âu, ô tô, dược phẩm hay sản xuất rượu là những ngành công nghiệp sẽ chịu tác động trực tiếp từ EVFTA".
"Về phía Việt Nam, chúng tôi dự đoán không có trở ngại nào. Còn về phía EU, Nghị viện châu Âu vừa trải qua đợt bầu cử vài tháng trước và số đông tán thành với xu hướng thương mại toàn cầu, vì thế, tôi nghĩ phiếu bầu không phải là trở ngại cho EVFTA.
Những đồng sự của tôi ở EuroCham đã đến Brussel để gặp một số chính khách, một số bày tỏ những quan ngại về Việt Nam như vấn đề môi trường. Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến Nghị viện châu Âu đó là Chính phủ Việt Nam cần có thời gian để giải quyết những vấn đề đó và nền tảng để giải quyết chính là ký kết hiệp định EVFTA" - ông Nicolas Audier cho biết thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!