Đường vành đai 4 vùng Thủ đô khi hoàn thành sẽ “chia lửa” cho đường vành đai 3 hiện đang quá tải trầm trọng. (Ảnh: NLĐ)
Do đó, nguồn vốn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần giải quyết để đảm bảo tiến độ triển khai. Đó là ý kiến được đại diện các cơ quan quản lý và chuyên gia nêu ra tại tọa đàm "Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 4/5.
Dự án vành đai 4 vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư gần 86.000 tỷ đồng. Riêng phần giải phóng mặt bằng chiếm 19.000 tỷ là thách thức đòi hỏi TP Hà Nội đang phải xây dựng phương án bố trí nguồn vốn.
Còn đối với dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, các địa phương có dự án đi qua cũng đã cam kết với Chính phủ về việc đảm bảo bố trí nguồn lực từ nguồn đầu tư công trung hạn hay phát hành trái phiếu.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ cũng đang triển khai các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông liên vùng, trong đó, đặt ra vấn đề phân cấp, phân quyền cho các địa phương.
Dự án đường vành đai 4 TP Hà Nội có chiều dài 112,8 km, qua TP Hà Nội 58,2 km, Hưng Yên 19 km, Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7 km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.
Tuyến đường vành đai 4 TP Hà Nội đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến trên 87.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027. Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT), trong đó tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.
Đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 76,34 km (TP Hồ Chí Minh 47,51 km, Đồng Nai 11,26 km, Bình Dương 10,76 km và Long An 6,81km) với điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, Long An).
Dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh được đầu tư công, tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, trong đó có hơn 41.500 tỷ đồng chi cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và gần 26.000 tỷ đồng cho xây dựng và thiết bị.
Dự kiến, công tác chuẩn bị dự án được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2023; triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ quý 3/2022 để hoàn thành vào quý 2/2024. Việc xây dựng hệ thống đường cao tốc và đường song hành sẽ được khởi công vào quý 4/2023 và hoàn thành cơ bản tuyến cao tốc năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!