Chứng khoán Mỹ bị bán tháo

Thuỳ An-Thứ năm, ngày 19/05/2022 06:08 GMT+7

VTV.vn - Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm lớn nhất kể từ năm 2020 khi đợt bán tháo năm nay ở phố Wall gia tăng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/5 (theo giờ Mỹ), Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.164 tương đương 3,57%, xuống 31.490 điểm. Đây là mức giảm trung bình lớn nhất kể từ tháng 6/2020. Với mức giảm này, Dow Jones đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Đáng chú ý, đây là lần thứ 5 chỉ số Dow Jones giảm tới hơn 800 điểm chỉ sau một phiên giao dịch, tất cả đều diễn ra trong vòng 1 tháng qua.

Chứng khoán Mỹ bị bán tháo - Ảnh 1.

Chỉ số Dow Jones giảm 1.164 - mức giảm trung bình lớn nhất kể từ tháng 6/2020

Tương tự, chỉ số S&P 500 cũng giảm đến 4,04% xuống 3.923 điểm. Đây cũng là mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020. Trong khi, Nasdaq Composite giảm 4,73% xuống 11.418 điểm, đây là mức giảm lớn nhất từ ngày 5/5.

Phố Wall quay trở lại tình trạng bán tháo sau khi hai đại gia bán lẻ là Target và Walmart công bố báo cáo tiêu cực khiến nhà đầu tư lo ngại về việc lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp và nhu cầu của người tiêu dùng.

Cổ phiếu Target giảm 24,9% hôm thứ Tư sau khi nhà bán lẻ này báo cáo thu nhập quý đầu tiên thấp hơn nhiều so với ước tính của Phố Wall do chi phí nhiên liệu và bồi thường cao hơn. Walmart cũng công bố thu nhập giảm so với kỳ vọng vì chi phí nhiên liệu và lao động cao hơn . Cổ phiếu của Walmart đã giảm gần 18% chỉ sau 2 phiên giao dịch gần đây.

"Người tiêu dùng đang gặp thách thức. Vào cuối năm, chúng tôi bắt đầu thấy rằng người tiêu dùng chuyển sang thẻ tín dụng để thanh toán cho việc tăng giá thực phẩm, tăng giá năng lượng, và điều đó thực sự trở nên tồi tệ hơn nhiều", Megan Horneman, Giám đốc đầu tư tại Verdence Capital Advisors cho biết.

Chứng khoán Mỹ bị bán tháo - Ảnh 2.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục cho thấy quyết tâm hạ nhiệt lạm phát trong những tháng tới đây

Ngày hôm qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Jerome Powell cho biết FED muốn tăng trưởng kinh tế chậm lại và có dấu hiệu rõ ràng cho thấy lạm phát hạ nhiệt trước khi dừng các nỗ lực hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Nến kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt với lạm phát ở mức cao nhất trong bốn thập niên, khiến FED phải nỗ lực kiểm soát sức ép giá cả, với việc thông báo tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 2000 vào đầu tháng này. Ông Powell cho biết các nhà hoạch định chính sách đã nhất trí thảo luận khả năng tiếp tục tăng mạnh lãi suất vào tháng Sáu và tháng Bảy.

Cách đây ít ngày, Chủ tịch FED thừa nhận, tăng lãi suất sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. Theo ông Powell, FED chưa chắc đảm bảo được kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh mềm" - đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu mà vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Tuy nhiên kiềm chế lạm phát vẫn sẽ là ưu tiên chính và cơ quan này sẽ hành động mạnh mẽ để duy trì giá cả ổn định. Một tín hiệu tích cực với FED là số liệu lạm phát tháng 4 dù tiếp tục chạm mức kỷ lục 8,3% nhưng đã có dấu hiệu lập đỉnh và có thể dần đi xuống trong những tháng tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước