Ngay cả sau khi giảm mạnh hôm 26/7, chỉ số S&P 500 vẫn tăng 7% so với mức thấp nhất ghi nhận ngày 16/6, một phần do kỳ vọng rằng FED sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất mạnh mẽ vào đầu năm tới và sự sụt giảm gần đây của giá hàng hóa khiến các nhà đầu tư hy vọng sẽ giúp kiềm chế lạm phát.
Cho đến nay, nhiều người đang hoài nghi về đợt "sóng" tăng của thị trường lần này. Ba đợt tăng với mức độ tương đương của Phố Wall đã "tàn lụi" trong năm nay, khiến các mã cổ phiếu trượt xuống mức thấp mới sau mỗi đợt tăng đó. Blackrock, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, ngày 25/7 đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng sẽ có nhiều biến động ở phía trước và cho biết thị trường chứng khoán đang tăng trưởng thiếu vững chắc do kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục kéo dài.
Steve Chiavarone, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Federated Hermes, cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng đây là một thị trường giá xuống (con gấu) đội lốt bởi đà đi lên".
Kỳ vọng FED sẽ kết thúc đợt tăng lãi suất gây tổn hại thị trường sớm hơn dự báo đã giúp cổ phiếu tăng cao hơn. Gần 2/3 số nhà đầu tư tin rằng, lãi suất huy động của FED sẽ ở mức 3,5% hoặc thấp hơn vào tháng 3/2023.
Các nhà đầu tư dự đoán FED sẽ tăng 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp mới nhất, sau khi nâng lãi suất thêm 1,5 điểm phần trăm kể từ đầu năm nay. Các chiến lược gia của Blackrock cho rằng, hy vọng về sự tiết chế của FED có thể bị tiêu tan nếu giá tiêu dùng vẫn ở mức cao trong những tuần tới - lặp lại kịch bản từng kéo giá cổ phiếu đi xuống trong nửa đầu năm nay.
Dữ liệu từ Viện đầu tư Wells Fargo cho thấy mức độ nghiêm trọng của "thị trường gấu" hiện tại - chứng kiến chỉ số S&P 500 giảm tới 23,6% so với mức cao nhất xác lập trong tháng 1/2022 - có thể phụ thuộc vào việc nền kinh tế có đang suy thoái hay không. "Thị trường gấu" đi kèm với suy thoái đã kéo dài trung bình 18 tháng qua, trong đó các chỉ số chứng khoán giảm trung bình 35,8%. Nếu không có suy thoái, "thị trường gấu" chỉ kéo dài trung bình 5,9 tháng với mức giảm trung bình của các chỉ số là 27,9%.
Cuối tuần trước (24/7), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận nguy cơ suy thoái kinh tế, song cho rằng vẫn có cách để tránh kịch bản đó. Tuy nhiên, thị trường phần nào vẫn tiếp tục phản ánh sự không hài lòng của nhà đầu tư, ngay cả khi các chỉ số chủ chốt đã tăng điểm.
Willie Delwiche, chiến lược gia đầu tư tại All Star Charts, cho biết nhiều cổ phiếu thuộc chỉ số Nasdaq Composite ghi nhận mức thấp kỷ lục hơn là mức cao kỷ lục trong 76 ngày liên tiếp, khoảng thời gian dài nhất trong 20 năm qua. Chỉ số này tăng gần 9% so với mức thấp nhất được ghi nhận vào tháng Sáu. Ông Delwiche nói: "Cho đến khi số liệu này cải thiện, còn quá sớm để nói rằng thị trường đã ở đáy".
Các nhà đầu tư lạc quan hơn chỉ ra một loạt các tín hiệu cho thấy xu hướng đi xuống có thể đã ở "tận cùng" trong những tuần gần đây, có khả năng làm "kiệt sức" các nhà giao dịch và khiến cổ phiếu dễ dàng phục hồi hơn.
Một cuộc khảo sát của nhà quản lý quỹ BoFA Global Research vào tuần trước cho thấy, kỳ vọng về tăng trưởng toàn cầu và lợi nhuận ở mức thấp nhất mọi thời đại, trong khi dòng tiền mặt lại ở mức cao nhất trong hai thập kỷ, có thể cho thấy triển vọng tăng giá mạnh hơn của các cổ phiếu trong thời gian tới.
Lori Calvasina, người đứng đầu mảng chiến lược cổ phiếu tại RBC Capital Markets, cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng có thể S&P 500 đã chạm đáy và nếu chưa phải, mức đáy sẽ xuất hiện trong quý III năm nay".
Trong khi đó, ông Christopher Murphy, đồng trưởng bộ phận chiến lược phái sinh tại Susquehanna International Group, tin rằng báo cáo kết quả kinh doanh trong tuần này - bao gồm các công ty lớn như Apple Inc và Meta Platforms - có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định liệu thị trường chứng khoán có thể tiếp tục tăng hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!