"Chúng ta luôn trăn trở về xây tổ để đón đại bàng, nhưng lại chưa sẵn sàng cởi trói nguồn lực"

Thùy An-Thứ năm, ngày 12/11/2020 15:55 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng từng nhấn mạnh nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế, mà thách thức lớn nhất là thiếu ý chí vươn lên và thiếu quyết tâm hành động.

Sáng nay (12/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận về Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Tại đây rất nhiều vấn đề đã được thảo luận từ việc tiếp tục thí điểm hay áp dụng ngay, quyền giám sát khi TP.HCM bỏ Hội đồng nhân dân cấp phường, quận, hay rộng hơn là cơ chế đặc thù cho các địa phương trên cả nước…

Thí điểm hay áp dụng ngay?

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) thể hiện quan điểm đồng tình với việc thực hiện ngay mô hình, tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM mà không cần thí điểm, để đến tháng 7/2021, nghị quyết của Quốc hội sẽ đi vào thực tiễn, giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh và bền vững. Cũng như phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của Thành phố Hồ Chí Minh đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước trong thời gian tới.

"TP.HCM đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm trên 21% tổng sản phẩm GDP, chiếm trên 29% tổng thu ngân sách của cả nước", đại biểu Vang cho biết.

Chúng ta luôn trăn trở về xây tổ để đón đại bàng, nhưng lại chưa sẵn sàng cởi trói nguồn lực - Ảnh 1.

Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng)

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho biết việc đi tìm mảnh ghép thể chế phù hợp với quy mô, tầm vóc và thể trạng TP.HCM là nỗ lực không ngừng nghỉ của lãnh đạo nơi đây qua các thời kỳ.

"Thật khó để hình dung, với một siêu đô thị sôi động bậc nhất cả nước, nhưng mô hình chính quyền lại được khoác chiếc áo búp bê đồng hạng, như một chính quyền nông thôn", đại biểu Nhân cho biết.

Ông Nhân nhấn mạnh, chúng ta đang nói quá nhiều về những điều to tát, luôn trăn trở đi tìm nguồn lực cho tăng trưởng, lo xây tổ để đón đại bàng nhưng qua câu chuyện thành phố xin cơ chế cũng nói lên một điều rằng, tư duy, ý chí về phát triển thì không thiếu. Nhưng hành động lại cho thấy chúng ta chưa sẵn sàng cởi trói cho nguồn lực để hiện thực hóa tư duy và ý chí đó.

"Phải chăng, vì lẽ đó mà Thủ tướng đã nhắn nhủ trong phần trả lời chất vấn khi cho rằng thách thức lớn nhất không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế, mà thách thức lớn nhất là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động", đại biểu đoàn Bình Dương dẫn lời của Thủ tướng.

Chúng ta luôn trăn trở về xây tổ để đón đại bàng, nhưng lại chưa sẵn sàng cởi trói nguồn lực - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho biết thật khó để hình dung, với một siêu đô thị sôi động bậc nhất cả nước, nhưng mô hình chính quyền lại được khoác chiếc áo búp bê đồng hạng, như một chính quyền nông thôn

Trong phần giải trình về Nghị quyết, liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết dù là thí điểm hay không thí điểm thì Chính phủ vẫn đề nghị sau một thời gian, khoảng 3 năm thực hiện thì chúng ta cũng nên sơ kết.

"Luật chúng ta cũng có sơ kết, tổng kết, nếu chưa phù hợp, chúng ta cũng sửa. Nếu mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM trong thời gian thực hiện thấy cần điều chỉnh chúng ta sẽ tiếp tục đề nghị Quốc hội để điều chỉnh", ông Tân nhấn mạnh.

Quyền giám sát trong nếu bỏ Hội đồng nhân dân cấp phường, quận?

"Một trong nhiều trăn trở của người dân và không ít đại biểu khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở một cấp nào đó liệu có ảnh hưởng đến quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân qua người đại diện cho mình hay không?", đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt câu hỏi.

Song theo đại biểu Nhân, những lo ngại này hoàn toàn có thể được giải quyết trên thực tế trình xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh hiện nay.

Chúng ta luôn trăn trở về xây tổ để đón đại bàng, nhưng lại chưa sẵn sàng cởi trói nguồn lực - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết TP.HCM đã có thời gian hơn 6 năm để thực hiện mô hình thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp huyện, quận, phường trong giai đoạn từ năm 2009 - 2016 và đã tổng kết việc thí điểm này.

"Thấy rằng việc không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường là có tính hiệu quả", Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.

Phân loại chính quyền, phân hóa chính sách?

"Chúng ta ra nghị quyết riêng về TP.HCM. Nói cách khác, chúng ta phân quyền, phân cấp cho TP.HCM cụ thể hơn. Đây là một chủ trương mà Đảng ta đã khởi xướng từ lâu, cùng với chủ trương tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, đây là một bước tiến về phân cấp, phân quyền", đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) phát biểu trong phiên thảo luận về Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Chúng ta luôn trăn trở về xây tổ để đón đại bàng, nhưng lại chưa sẵn sàng cởi trói nguồn lực - Ảnh 4.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

Do đó, đại biểu Vân đề nghị Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội phải tổng kết thực tiễn, đánh giá cho nghiêm cẩn mô hình này. Từ đó, phân loại các địa phương trong 63 tỉnh, thành để nhóm địa phương có cùng tính chất, có cùng các đặc điểm để phân hóa thành các nhóm cụ thể, có chính sách tác động phù hợp để tránh tình trạng ban hành những văn bản riêng rẽ mà chúng ta gọi là đặc thù.

"Khi tất cả các địa phương đặc thù thì không còn là đặc thù nữa. Vừa rồi chúng ta cho đặc thù ở TP.HCM, cho đặc thù Hà Nội, cho đặc thù Đà Nẵng. Tôi cho rằng, nó sẽ sinh ra cát cứ về chính sách, phải có một chủ trương chung để phân loại chính quyền, phân hóa chính sách thì mới công bằng", đại biểu Vân nêu quan điểm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước