Tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước
Với chủ đề "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội", hôm nay (24/3), Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp nhà nước" đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Hội nghị có sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc của hơn 40 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Đến đầu năm 2021, cả nước có khoảng gần 500 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, nhưng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường và chiếm gần 26% tổng vốn sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp nhà nước có vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như: dầu khí, điện lực, tài chính, ngân hàng, viễn thông, hạ tầng giao thông. Dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực nhưng đến nay, khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thể hiện tốt vị thế của mình, về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực với nền kinh tế.
Theo đề nghị của Thủ tướng, các ý kiến đã tập trung thảo luận, làm rõ và thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn cần tháo gỡ, đồng thời nêu ra nhiều kiến nghị, đề xuất, giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Chung tay xây dựng hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp
Sau khi dành cả một ngày lắng nghe 24 ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng của đại diện các doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua các thời kỳ rất quan tâm, trăn trở.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng nhắc đến là phải chung tay xây dựng hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp, xây dựng môi trường phát triển doanh nghiệp lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, trách nhiệm, nghĩa tình, nhân văn, hiệu quả và không tham nhũng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của doanh nghiệp nhà nước, khẳng định đây là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.
Sau hơn 35 năm đổi mới, doanh nghiệp nhà nước đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào thành quả to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta.
Các doanh nghiệp nhà nước còn thực hiện những sứ mệnh mà doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI chưa tham gia được, nhất là với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, liên quan an ninh, quốc phòng; thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước giao, tạo thêm nhiều việc làm, đóng góp tích cực, trách nhiệm trong công tác an sinh xã hội, công tác phòng chống dịch.
Thủ tướng chia sẻ với những trăn trở của các đại biểu trong hội nghị, đó là doanh nghiệp nhà nước phát triển chưa tương xứng với những gì đã có, chưa lớn mạnh, một số việc chưa làm được dù có khả năng làm. 5 năm vừa qua, không có công trình nào lớn do doanh nghiệp nhà nước đầu tư; nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tiên phong trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; nguồn lực đầu tư đang giảm dần; thể chế và cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, cần được thao gỡ; nỗ lực thúc đẩy, củng cố vai trò, vị trí doanh nghiệp nhà nước của các cơ quan nhà nước chưa cao, chưa toàn diện; công tác quản lý nhà nước, tổ chức cán bộ, chính sách, môi trường pháp lý… còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với kinh tế thị trường.
Thời gian tới, xách định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chung tay cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, góp phần đắc lực, hiệu quả trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đặc biệt, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và luôn nhạy bén, linh hoạt, thích ứng với mọi điều kiện.
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức trong kinh doanh…; những việc khó khăn, nơi khó khăn, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI chưa có điều kiện làm thì doanh nghiệp nhà nước phải tham gia.
Về mục tiêu, Thủ tướng đề nghị những năm tới, doanh nghiệp nhà nước phải kế thừa và phát huy những hiệu quả đã làm được trong những năm qua để tạo ra bước phát triển tích cực, nhanh và bền vững, một số doanh nghiệp phải tạo ra phát triển đột phá, tập đoàn lớn phải là "quả đấm thép", đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động năm sau cao hơn năm trước. Thủ tướng đồng tình với 8 nhiệm vụ, giải pháp trong báo cáo tại Hội nghị, đồng thời nhấn mạnh thêm một số nội dung trọng tâm.
Thủ tướng yêu cầu cần tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn để nâng cao trách nhiệm, tính tự chủ, tự lực tự cường của doanh nghiệp nhà nước, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, có công cụ kiểm soát và tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo không gian đổi mới sáng tạo, phát triển.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thực hiện; đồng thời, huy động nguồn lực của doanh nghiệp vào phát triển kinh tế, giao đầu tư các công trình hạ tầng và doanh nghiệp cũng phải đề xuất làm những công trình trọng điểm có tính lịch sử.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhà nước quan tâm hơn nữa đến vấn đề cán bộ, nguồn nhân lực, công tác Đảng, xây dựng bộ máy, cải cách bộ máy hành chính; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; coi trọng xây dựng thương hiệu và công tác truyền thông; đồng thời tập trung giải quyết các công việc tồn đọng, yếu kém kéo dài nhiều năm.
Về các kiến nghị, Thủ tướng đánh giá đều là những kiến nghị xác đáng, đề nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp, đưa vào Nghị quyết sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!