Những căng thẳng tại Biển Đỏ được cho cũng đang bộc lộ ngày càng rõ ràng sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay. Cơ quan quản lý kênh đào Suez của Ai Cập mới đây cho biết, kể từ khi căng thẳng trên Biển Đỏ bùng phát thì họ phải chịu thiệt hại khoảng 15 triệu USD mỗi ngày.
Các số liệu mới nhất được công bố cho thấy lượng vận tải qua kênh đào Suez đã sụt hơn 40% trong vòng 2 tháng qua. Nếu tính số tàu Container, sự sụt giảm lên gần 70%. Trong đó số lượng tàu chở dầu và khí hóa lỏng là sụt giảm mạnh nhất.
Các tàu nếu không đi qua Biển Đỏ, kênh đào Suez sẽ phải vòng qua mũi Hảo Vọng của châu Phi. Thời gian tăng thêm khoảng 2 tuần, chi phí tất nhiên bị đội lên nhiều. Hiện giá cả các mặt hàng tại châu Âu chưa có nhiều biến động do còn hàng tồn kho.
Tuy nhiên, sự bình yên này trong giá cả các mặt hàng có thể sẽ không còn được kéo dài bao lâu khi không chỉ tại Biển Đỏ, vận tải biển của thế giới được cho đang cùng lúc gặp khó.
Những căng thẳng tại Biển Đỏ được cho cũng đang bộc lộ ngày càng rõ ràng sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Theo báo The National (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), kênh đào Panama - một tuyến đường biển quan trọng khác đối với thương mại toàn cầu, cũng đang bị tắc nghẽn vì hạn hán.
Vận tải qua kênh đào Panama cũng bị sụt giảm tới gần 40% so với năm ngoái và hơn 60% so với năm trước nữa. Tình hình vận tải qua Biển Đen cũng đã gặp khó suốt từ cuộc xung đột Nga - Ukraine tới nay.
Nhưng không chỉ là những nỗi lo trước mắt. Câu hỏi quan trọng hơn lúc này là tương lai nào sẽ chờ đợi Biển Đỏ. Những gì mà người ta nhìn thấy là một lực lượng có thể không cần có quân đội chính quy, khí tài hùng hậu, chỉ với máy bay không người lái và một vài tên lửa, cũng có thể khiến cả chuỗi cung ứng toàn cầu phải nơm nớp lo sợ.
Theo thời báo Khaleej (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), những thách thức trên Biển Đỏ cũng là lời nhắc nhở thương mại thế giới đang mỏng manh như thế nào trước các biến động.
Khoảng 80% thương mại quốc tế được vận tải trên biển. Trong đó, sự kết nối 2 châu lục Á - Âu hầu như dựa vào biển Đỏ và kênh đào Suez. Đó là sự nhắc nhở đã đến lúc thế giới cần tìm ra những tuyến đường vận tải mới, giảm thiểu rủi ro. Hoặc ít nhất cũng là tạo ra được những cơ chế thường trực để tăng cường hợp tác, ứng phó kịp thời trước các biến động có thể xảy đến bất cứ khi nào trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!