Xử lý cơ bản những tồn tại của 5 dự án nằm trong nhóm yếu kém của ngành công thương ngay trong năm nay. Đây là mục tiêu của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước ngay sau khi tiếp nhận các dự án này. Trong năm trước, việc xử lý 12 dự án yếu kém đã có nhiều kết quả, cuối năm, 2 trong số 12 dự án được kiến nghị đưa ra khỏi danh sách yếu kém, nhiều dự án khác đã bước đầu vận hành thuận lợi, từng bước cắt lỗ…
Xâm nhập mặn đang khiến sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL gặp nhiều khó khăn kéo theo nhu cầu sử dụng tiêu thụ phân bón tại khu vực lớn nhất cả nước này cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, đây lại là thị trường tiêu thụ chủ yếu của DAP Hải Phòng, một trong 12 dự án yếu kém thuộc ngành Công Thương. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn đặt mục tiêu, năm nay sẽ là năm thứ 4 làm ăn có lãi nếu như thuế phòng vệ thương mại cho phân bón nhập khẩu được gia hạn thêm.
Cũng nằm trong 12 dự án yếu kém, sau hơn 1,5 năm khởi động lại, nhà máy Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí đã có lúc công suất lên đến 40%. Năm ngoái, đơn vị này đã xử lý xong các tranh chấp, chuẩn bị quyết toán dự án. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tham gia cơ cấu lại sản xuất.
Cho đến thời điểm này, trong tổng số 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương trước đây đã có nhiêu chuyển biến khá tích cực. Trong đó có 2 dự án làm ăn có lãi, 4 dự án còn thua lỗ đang từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục giảm lỗ nhưng do tình hình thị trường diễn biến khó khăn nên kết quả chưa bền vững.
Ngay sau khi chuyển 12 dự án yếu kém, chậm tiến độ về Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước, cơ quan này đã đề xuất nhiều phương án cơ cấu, trong đó sẽ tập trung tạo cơ chế để thúc đẩy sản xuất cho những dự án đã hoạt động. Giải quyết những tranh chấp, tiếp tục tổ chức triển khai bán đấu giá theo quy định cho những dự án còn dang dở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!