Chuyển đổi số cảng biển giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp

VTV Digital-Thứ ba, ngày 02/04/2024 17:46 GMT+7

VTV.vn - Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng cảng biển để việc xuất nhập khẩu hàng hóa được thông suốt là một mục tiêu trọng tâm để phát triển kinh tế.

Doanh nghiệp tiết kiệm chi phí

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng cảng biển để việc xuất nhập khẩu hàng hóa được thông suốt là một mục tiêu trọng tâm để phát triển kinh tế. Cục hàng hải Việt Nam cho biết, dự kiến sang năm sau, hệ thống dữ liệu về hạ tầng cảng biển sẽ được hoàn thiện. Như vậy là lúc đó, lĩnh vực hàng hải sẽ có cùng lúc 3 hệ thống dữ liệu để phục vụ cho công tác chuyển đổi số. Đó là dữ liệu phương tiện tàu thuyền, dữ liệu thuyền viên và dữ liệu hạ tầng cảng biển.

Việc áp dụng chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao sản lượng vận tải hàng hoá mà còn tiết giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh cho hệ thống cảng biển của Việt Nam để thu hút các hãng tàu nước ngoài.

Thay vì trước đây phải đi lại nhiều lần để nộp, xuất trình các giấy tờ thông quan hàng hoá thì bây giờ chỉ mất vài phút, anh Tuấn Anh đã hoàn thành hồ sơ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Anh Đặng Tuấn Anh - Công ty Hoàng Phát cho biết: "Ngày xưa chưa có online thì phải di chuyển nhiều lần, một ngày 2, 3 lần rất khó khăn về di chuyển. Bây giờ có online nên chúng tôi sẽ thuận tiện rất nhiều".

Mặc dù đây đang là thời gian cao điểm tác nghiệp hàng hoá tại cảng, tuy nhiên toàn bộ khu vực ghế ngồi chờ làm thủ tục của khách hàng rất nhiều chỗ trống. Bởi lý do họ đã làm thủ tục trực tuyến từ xa. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian chờ đợi mà còn giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Cảng container quốc tế tại Hải Phòng hiện đang sử dụng hệ thống quản lý điều hành cảng tự động. Chuyển đổi số giúp giảm thời gian và chi phí giao nhận hàng hoá.

Ông Nguyễn Đại Dương - Nhân viên phòng Kinh doanh, Cảng container quốc tế Tân Cảng, TP. Hải Phòng nhận định: "Kết nối dữ liệu với thuế, hải quan cũng như hãng tàu, cảng cũng đang triển khai áp dụng hệ thống cảng tự động Eport để giúp các khách hàng đăng ký tác nghiệp tại mọi nơi mà không cần phải đến cảng".

Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, lĩnh vực hàng hải hiện nay đã cung cấp 52 thủ tục hành chính cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, có 11 thủ tục hành chính cho tàu thuyền ra vào cảng.

Ông Lê Nam Tuấn - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam nêu ý kiến: "Tất cả thủ tục điện tử đều làm trực tuyến online nên không phải mất thời gian đi lại. Việc nộp phí cũng được thực hiện trực tuyến và hiện nay, các cảng vụ hàng hải đều áp dụng hóa đơn điện tử".

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hoá container qua cảng biển trong 2 tháng đầu năm nay ước đạt hơn 4 triệu Teus, tăng 27% so với cùng kỳ. Trong đó, các khu vực có sản lượng container thông qua lớn gồm Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 40-60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chuyển đổi số cảng biển giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng mô hình "cảng biển thông minh"

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Với khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trong những tháng đầu năm tăng 2 con số, việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng mô hình "cảng biển thông minh" đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục thông quan điện tử một cách dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả về chi phí. Ngoài ra, hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS) tại các khu vực cảng đã và đang được đầu tư cũng ngày càng được tối ưu hoá và phát huy hiệu quả.

Tại phòng điều hành của hệ thống giám sát và điều phối hàng hải (VTS) tại khu vực Hải Phòng, toàn bộ hệ thống được đầu tư hơn 100 tỷ đồng, có đầy đủ các dữ liệu theo thời gian thực để quản lý tàu thuyền xuất nhập khẩu tại cảng biển.

Ông Vũ Tú Nam - Trưởng đại diện Cảng vụ Hải Phòng tại Cát Hải cho biết: "Cho đến nay, nhờ có hệ thống VTS và hệ thống camera tích hợp đi kèm, chúng tôi có ngay các thông tin theo thời gian thực để qua đó điều phối hoạt động của tàu thuyền".

Trung tâm điều hành thông minh tại Cục Hàng hải Việt Nam đang theo dõi dữ liệu của toàn bộ các cảng vụ trên cả nước. Trong đó, hai cụm cảng lớn là Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng với 10 khu cảng nhỏ khác đã được đầu tư hơn 300 tỷ đồng cho hệ thống giám sát và điều phối hàng hải (VTS).

Ông Lê Nam Tuấn - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam chia sẻ: "Hỗ trợ rất tốt cho cán bộ cảng vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước tại cảng biển, nhất là quản lý về điều phối giao thông hàng hải. Có thể liên lạc trực tiếp với tàu, có thể theo dõi được hình ảnh của tàu đang hành trình trên các tuyến đường".

Cũng theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, tới đây, toàn bộ 25 khu vực cảng vụ trên cả nước sẽ được tiếp tục đầu tư hệ thống VTS. Khi đó, hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ tàu thuyền trước khi vào cảng sẽ tương đối hoàn chỉnh. Nhiệm vụ tiếp theo sẽ là đồng bộ hoá các phần mềm điều hành đang được các cảng biển tự đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước