Tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện, linh hoạt, phù hợp với xu thế mới trên thị trường, chuyển đổi số ngành Ngân hàng đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là một xu hướng mà còn là một bước tiến quan trọng hướng tới tương lai tài chính hiện đại, hiện thực hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, cung cấp tối đa tiện ích cho người dùng
Cùng với dòng chảy công nghệ, trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều dịch vụ tài chính số tiện ích nhất đang trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Ngành Ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ, chức năng, tiện ích mới trong thanh toán sử dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng như: mở tài khoản trực tuyến, thẻ phi vật lý, thẻ chip không tiếp xúc, mã PIN điện tử, thanh toán bằng mã VietQR, ATM đa chức năng với chức năng nạp tiền tự động và gửi tiền trực tuyến, mô hình Ngân hàng số đang mang đến cho người dùng đa tiện ích kết hợp đa dịch vụ. Giờ đây ngân hàng không chỉ đơn thuần là giao dịch tài chính.
Bên cạnh đó, hạ tầng thanh toán số được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, gia tăng tiện ích. Nhờ hành lang pháp lý thuận lợi, hạ tầng kĩ thuật phục vụ thanh toán số vận hành an toàn, ổn định, thông suốt và hệ sinh thái số các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và ngoài ngân hàng được đầu tư.
Liên thông thanh toán, tạo kết nối, dịch vụ liền mạch giữa các ngành, lĩnh vực, giúp tiết kiệm chi phí lớn cho xã hội, người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia đồng bộ.
Liên thông đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Giao dịch tiền mặt trong hệ thống dịch vụ công ngày càng giảm
Sự phát triển của ngân hàng số đang ngày càng thể hiện được vai trò trong việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, không chỉ ở các thành phố lớn mà giờ đây có thể thực hiện các giao dịch số ở bất kỳ nơi đâu tại địa bàn nông thôn hay xa hơn là khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Các giao dịch ngày càng được đơn giản hóa, có tính bảo mật cao, hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số của ngành Ngân hàng với nhiều phương thức thanh toán hiện đại, tiện lợi được kết nối liên thông, tích hợp liền mạch, xuyên suốt với các ngành, lĩnh vực khác: Các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ dân sinh như thanh toán điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử... đều đã được đưa lên hoặc kết nối với ứng dụng di động của các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, dịch vụ Mobile - Money cho phép người dân, doanh nghiệp giao dịch mua, bán, thanh toán an toàn, thuận tiện ngay trên ứng dụng.
Những kết quả tích cực từ sự đổi mới đã thay đổi cách người dân, doanh nghiệp tương tác với ngân hàng, đồng thời mở ra những cơ hội mới và tạo ra một môi trường tài chính an toàn và tiện lợi.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Tính đến cuối tháng 1/2024, thị trường liên ngân hàng có 554.580 POS giao dịch, tăng 32,68% so với cùng kỳ năm 2023. Các sản phẩm, dịch vụ thanh toán tiếp tục phát triển mạnh mẽ, gia tăng thêm nhiều tiện ích, nhất là các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022; có 147 triệu thẻ đang lưu hành, tăng 1,27% so với năm 2022. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng khá. Trong tháng 01/2024 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị; qua kênh Internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị; qua phương thức QR Code tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị; qua POS tăng 16,87% về số lượng và 13,65% về giá trị; qua ATM giảm 15,14% về số lượng và giảm 18,76% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Số liệu trên cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Đến cuối năm 2023, khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị; 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh trong cả nước đã kết nối với hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; 100% các dịch vụ công trực tuyến của hải quan được thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 54/63 tỉnh, thành phố đã chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt với kinh phí trả trong năm 2023 là gần 1.093 tỉ đồng; 98% người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp thông qua thanh toán không dùng tiền mặt.
Thách thức trong công nghệ bảo mật
Nhận diện khuôn mặt, sinh trắc học tăng bảo mật trong giao dịch ngân hàng.
Hiện nay, xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tội phạm lợi dụng dịch vụ ngân hàng cho mục đích bất hợp pháp, rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo… Điều này đặt ra thách thức lớn cho các ngân hàng trong việc đầu tư công nghệ bảo mật đòi hỏi chi phí lớn.
Việc đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng ngày càng khó khăn do tình trạng lộ, lọt thông tin và dữ liệu khách hàng, rao bán thông tin cá nhân gia tăng. Việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng, quy trình nghiệp vụ với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng chưa được đồng bộ. Điều này cũng cần được ngành Ngân hàng chú trọng nâng cấp và đầu tư các công nghệ tối tân trong công nghệ bảo mật, hướng tới an toàn trong giao dịch trên không gian số.
Để góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ngành Ngân hàng đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp, chung tay, góp sức của các bộ, ngành, các đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, để đảm bảo toàn hệ thống phát triển bền vững, ngành Ngân hàng cần xác định phải cải cách các thủ tục, quy trình nghiệp vụ, đổi mới sáng tạo, gia tăng trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng là thước đo hiệu quả của chuyển đổi số. Đặc biệt đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ kì vọng: "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định và rất kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số và ngành Ngân hàng có cơ sở, điều kiện, nền tảng để phát huy vai trò này".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!