Báo cáo mới công bố của và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV cho thấy thị trường tài chính gồm cả ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán đã có những bước phát triển lớn trong thời gian qua. Trong đó, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp lĩnh vực tài chính, ngân hàng tạo được sự bứt phá, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, người dân đã có xu hướng thích ứng nhiều hơn với các sản phẩm, dịch vụ số.
Ngân hàng số - tăng tiện ích, giảm thủ tục
Theo khảo sát trong Báo cáo tháng 11/2021 của Công ty Mambu – nền tảng đám mây SaaS (Đức), khoảng 61% người tiêu dùng trên toàn cầu tham gia khảo sát đã sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng số hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 (chỉ số này tại Việt Nam cao hơn, đạt mức 70%) và 75% cho rằng họ sẽ dùng nhiều hơn trong thời gian tới. Tại Việt Nam, giá trị thanh toán qua kênh Internet, kênh điện thoại di động và qua kênh QR Code trong năm 2021 có sự tăng trưởng cao (như nêu dưới đây).
Còn theo McKinsey (2021), mức thâm nhập dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) và ví điện tử của Việt Nam đạt 56% năm 2021, cao hơn mức trung bình của các nước Châu Á – Thái Bình Dương mới nổi (53%) và phát triển (43%).
Chỉ trong 2 năm qua từ khi áp dụng định danh điện tử eKYC, số lượng khách hàng sử dụng ngân hàng số Digimi của NHTMCP Bản Việt đã tăng nhanh chóng. Người dùng chỉ cần chụp ảnh selfie chân dung, cùng với giấy tờ tùy thân đã có thể mở tài khoản tại nhà. Mới đây, bổ sung thêm tính năng nộp/rút tiền bằng Căn cước công dân thông qua Hệ thống ngân hàng tự động Digimi+. Bước đầu được triển khai điểm đầu tiên tại TPHCM và mở rộng tại các tỉnh thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ... Việc phát triển ngân hàng số được nhiều ngân hàng xem như cánh tay nối dài, tạo nên một hệ sinh thái ngân hàng tự động để giúp khách hàng giao dịch với ngân hàng thuận tiện và nhanh chóng nhất.
Theo Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc NHTMCP Bản Việt chia sẻ chuyển đổi số mang đến nhiều tiện ích cho người dùng đồng thời cũng cơ hội để ngân hàng đẩy mạnh phát triển tệp khách hàng của minh khi mà ngày càng có nhiều tiện ích được triển khai: "Thứ nhất là nâng cao sự tiện ích, sự thuận tiện của nền tảng thanh toán mà ngân hàng có. Thứ là gắn kết nền tảng thanh toán đó với những hệ sinh thái xung quanh của khách hàng cũng như của ngân hàng, phục vụ tiện ích cho khách hàng. Đây là những giải pháp chính".
"Chuyển đổi số góp phần tạo thêm các tiện ích cho người dùng thì cũng giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động. Như tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nhờ thực hiện chuyển đổi số quyết liệt và toàn diện, 98% các giao dịch của ngân hàng đã được thực hiện qua các nền tảng số, hơn 3,3 triệu khách hàng hiện tại thường xuyên sử dụng nền tảng ngân hàng số VPBank NEO để giao dịch hàng ngày. Đặc biệt, số lượng khách hàng mới đăng ký sử dụng VPBank NEO liên tục tăng cao thời gian gần đây. Trong quý I/2022, số lượng khách hàng đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng giám đốc thường trực, Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân, VPBank "Quá trình chuyển đổi số ở ngành ngân hàng Việt Nam đã trở thành xu hướng không thể đảo ngược và đang diễn ra rất mạnh mẽ. Xu hướng này bắt nguồn từ sự thay đổi hành vi của khách hàng trước diễn biến của cuộc cách mạng 4.0. Khách hàng ngày nay muốn sử dụng dịch vụ nhiêu hơn trên các nền tảng công nghệ. Vì vậy, các ngân hàng cũng buộc phải thay đổi để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đồng thời tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường".
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 4 tháng đầu năm nay, thanh toán qua điện thoại di động tăng 97,65% về số lượng giao dịch và 86,68% về giá trị; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021.
Thuận lợi hơn khi giao dịch chứng khoán trực tuyến
Trong ngành tài chính, ngân hàng là nhóm đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Nhưng ở những nhóm ngành khác, như chứng khoán, những thay đổi trong qua trình giãn cách xã hội vừa qua cũng là một minh chứng cho thấy cuộc chạy đua chuyển đổi số đã bước sang một giai đoạn mới. Năm 2021, số tài khoản nhà đầu tư chứng khoán mở mới đạt 1,5 triệu tài khoản, gấp 1,5 lần tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm trước (2017-2020) cộng lại (Tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản). Góp phần không nhỏ trong thu hút nhà đầu tư là các thủ tục tham gia thị trường đã được đơn giản hóa nhờ công nghệ. Tại Công ty chứng khoán Tân Việt, từ năm 2020 thay vì phải đến các quầy giao dịch, khai vào hàng loạt các giấy tờ, nhà đầu tư hoàn toàn có thể đăng ký tài khoản, thực hiện giao dịch chứng khoán bằng công nghệ eKYC trên ứng dụng điện thoại.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc khối dịch vụ đầu tư, quản lý tài sản công ty chứng khoán Tân Việt cho biết: "Theo tôi, mặt tích cực của dịch COVID-19 chính là sự thúc đẩy người dân và doanh nghiệp nhanh chóng ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động kinh doanh, phục vụ và tư vấn KH. TVSI cũng nằm trong xu hướng chung của ngành ngân hàng, chứng khoán với việc đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ như KYC, E contract, các ứng dụng đầu tư, các chương trình tư vấn, đào tạo trên nền tảng số….Điều này giúp TVSI tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn và chúng tôi cũng đón nhận được nhiều KH mới với sự gia tăng vượt bậc về tài sản quản lý và doanh thu, lợi nhuận trong bối cảnh chung của ngành chứng khoán".
Nhờ chuyển đổi số, mặc dù gặp nhiều khó khăn do COVID-19, nhưng doanh thu năm ngoái của chứng khoán Tân Việt có tổng doanh thu gấp 2,3 lần so với năm 2020. Chuyển đổi số đã và đang trở thành 1 công cụ đắc lực, mang đến cơ hội cho những doanh nghiệp nhanh nhạy, chịu khó thay đổi, nắm bắt xu hướng thị trường. Nhiều sản phẩm tưởng chừng như bắt buộc phải giao dịch trực tiếp cũng được đưa lên nền tảng số, như trái phiếu, hay các hệ thống chuyển tiền tức thời liên kết nhiều ngân hàng cũng phát huy tối đa hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!