Xanh… để xuất khẩu
Phát biểu tại Lễ phát động "Chuyển đổi xanh - chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững", ông Trịnh Đức Kiên – Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết, yêu cầu về xanh và bền vững hiện không còn là xu hướng mà đã trở thành điều kiện bắt buộc ở nhiều thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á và châu Úc. Như trong ngành gỗ, những tiêu chuẩn này được áp dụng xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm – từ nguyên liệu đầu vào đến phương thức sản xuất và sản phẩm hoàn thiện.
Theo ông Kiên, nhiều khách hàng quốc tế yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững như FSC hoặc PEFC. Đồng thời phải chứng minh rằng quá trình khai thác không gây phá rừng, mất rừng – phù hợp với các quy định như EUTR hiện tại của EU và EUDR sắp được áp dụng trong thời gian tới.
Ông Trịnh Đức Kiên – Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết, yêu cầu về xanh và bền vững hiện không còn là xu hướng mà đã trở thành điều kiện bắt buộc ở nhiều thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á và châu Úc
Trong quá trình sản xuất, các tiêu chuẩn cũng được siết chặt với yêu cầu áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, không phát thải độc hại. "Chẳng hạn, EU đang triển khai Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM), buộc doanh nghiệp khai báo lượng phát thải khí nhà kính trên mỗi đơn vị sản phẩm," ông Kiên nói.
Bên cạnh đó, yếu tố lao động cũng là một phần trong chuỗi yêu cầu xanh. Doanh nghiệp phải đảm bảo các chế độ phúc lợi, điều kiện làm việc theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các thông lệ quốc tế như tiêu chuẩn BSCI hoặc SEDEX SMETA.
Ở khâu sản phẩm, xu hướng "xanh hóa" vật liệu cũng ngày càng rõ rệt. "Nhiều nhóm sản phẩm buộc phải thay thế chất liệu bằng những vật liệu thân thiện với môi trường, ví dụ như bộ dụng cụ ăn uống dùng một lần bằng tre, giấy thay cho nhựa," ông Kiên dẫn chứng.
Cuộc đua tiếp sức thay vì cạnh tranh
Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Quốc Việt - Giảng viên trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, chuyển đổi xanh gần như là điều bắt buộc với các doanh nghiệp. Trong cuộc đua này, các doanh nghiệp không cạnh tranh với nhau. Đây là một cuộc đua tiếp sức giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp khác nhau trong một chuỗi giá trị, của những cơ quan hoạch định chính sách, của những nhà khoa học và viện nghiên cứu… Tất cả hỗ trợ nhau cho mục tiêu chuyển đổi xanh.
Theo ông Việt, các doanh nghiệp Việt Nam đang nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh hơn, được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa các chính sách trong nước và áp lực quốc tế. Tuy nhiên thực tế là các doanh nghiệp vẫn còn khá lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện các yêu cầu tuân thủ cũng như trách nhiệm giải trình trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn xanh.
"Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể chưa hiểu rõ về khái niệm NetZero và các yêu cầu liên quan. Sự thiếu hiểu biết này có thể dẫn đến việc triển khai không hiệu quả và không đạt được mục tiêu đề ra", TS. Nguyễn Quốc Việt nói.
TS. Nguyễn Quốc Việt - Giảng viên trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ngoài ra là rào cản chi phí khi việc chuyển đổi sang các công nghệ và phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường yêu cầu đầu tư lớn. Bên cạnh đó, việc chưa có chính sách và quy định rõ ràng cũng là một khó khăn khác cho quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.
"Chính phủ và các cơ quan liên quan đang có những bước tiến trong việc xây dựng chính sách và quy định về bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, nhưng còn thiếu các quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp", TS. Nguyễn Quốc Việt nêu quan điểm.
Trong khi đó, TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng tư duy là một trở ngại không nhỏ cho quá trình chuyển đổi xanh.
"Việc chuyển đổi xanh chỉ thực sự hiệu quả khi nó thấm sâu vào nhận thức của từng doanh nghiệp, từng người lao động. Đây là một quá trình cần sự đồng hành từ các cấp chính quyền, các tổ chức hỗ trợ và chính bản thân doanh nghiệp. Khi có những chính sách hỗ trợ phù hợp, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để mạnh dạn chuyển đổi và phát triển bền vững", ông Thắng nhấn mạnh.
Tiền đâu… để chuyển đổi xanh?
Về giải pháp tài chính cho chuyển đổi xanh, TS. Nguyễn Quốc Việt – chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường Đại học Kinh tế (UEB) cho rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế tài chính của Chính phủ, đặc biệt là các chính sách về bảo lãnh tín dụng và huy động vốn, là yếu tố then chốt để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ông nhấn mạnh, để chính sách thực sự hiệu quả, cần bắt đầu từ việc phân loại đặc điểm và mô hình của các dự án, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Đối với các dự án quy mô lớn, hiện Chính phủ đã có những cơ chế pháp lý quan trọng như Luật Đầu tư và hình thức hợp tác công – tư (PPP), cho phép khu vực tư nhân tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng và lĩnh vực kinh tế trọng điểm.
"Mô hình PPP giúp Nhà nước tận dụng hiệu quả nguồn vốn xã hội và giảm thiểu rủi ro tài chính, đồng thời nâng cao hiệu suất triển khai các dự án công cộng", ông Việt cho biết.
Tuy nhiên, ở cấp độ vi mô, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ và hộ nông dân vẫn đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận tín dụng. Các khoản vay nhỏ lẻ, thiếu bảo đảm, trong khi nhu cầu vốn lại lớn và ngày càng tăng. Trước thực trạng đó, TS. Việt cho rằng việc phát triển các mô hình hợp tác xã hoặc liên kết sản xuất là giải pháp khả thi, giúp tập trung nhu cầu vốn và nâng cao khả năng vay mượn thông qua cơ chế bảo lãnh tín chấp.
Tài chính là một trong những thách thức lớn nhất cho quá trình chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp
Ông dẫn ví dụ từ các dự án chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp: "Thay vì từng hộ kinh doanh tự đứng ra vay vốn, các hợp tác xã có thể đại diện cho nhiều hộ, từ đó tăng tính tín nhiệm và khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính".
Đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, đặc biệt trong các khu công nghiệp, TS. Việt đề cập đến cơ hội tiếp cận các nguồn vốn quốc tế như tín dụng xanh hay phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, ông cảnh báo rủi ro tỷ giá là một trong những trở ngại đáng kể. Khi đồng nội tệ biến động mạnh, chi phí trả nợ gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tài chính của dự án. Do đó, việc xây dựng cơ chế bảo lãnh rủi ro tỷ giá hoặc hỗ trợ tài chính từ Nhà nước là cần thiết để giúp doanh nghiệp yên tâm mở rộng đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!