Có hay không sự rút lui dòng vốn FDI khỏi Việt Nam?

VTV-Thứ bảy, ngày 28/08/2021 12:24 GMT+7

VTV.vn - Đầu tư nước ngoài là câu chuyện dài hạn, nghiên cứu thị trường chứ không phải ngày 1, ngày 2.

Vốn FDI 7 tháng đầu năm giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 19,12 tỷ USD, bằng gần 98% so với cùng kỳ năm 2020.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, vốn thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trong tháng 8/2021 giảm 12,2% so với tháng 8/2020 và giảm 14,3% so với tháng 7/2021.

Có hay không sự rút lui dòng vốn FDI khỏi Việt Nam? - Ảnh 1.

COVID-19 tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI tại Việt Nam

Theo ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn FDI 7 tháng đầu năm giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó giảm chủ yếu ở mảng vốn về các dự án điều chỉnh (giảm 3,7%), giảm ở mảng góp vốn mua cổ phẩn (giảm 55,8%)… Tuy nhiên vốn thực hiện thì vẫn tăng (tăng gần 4%), cùng với đó là quy mô trung bình của dự án tăng lên - trung bình 10 triệu USD/dự án (so với 5,8 triệu USD/dự án trong năm ngoái).

COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc di chuyển của các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, phân tích về doanh nghiệp trước khi đưa ra các quyết định mua bán, sáp nhập

“Đánh giá chung xu hướng giảm sẽ tiếp tục giảm do tác động từ dịch bệnh. COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc di chuyển của các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, phân tích về doanh nghiệp trước khi đưa ra các quyết định mua bán, sáp nhập, làm cho dòng vốn M&A giảm”, ông Trần Toàn Thắng nhận định về việc số lượng dự án FDI cấp mới và điều chỉnh góp vốn mua cổ phần ở Việt Nam đang có xu hướng giảm.

Cũng theo ông Thắng, nếu COVID-19 kéo dài hơn thì đương nhiên ảnh hưởng là dài hạn. Sức mua trong nước giảm, chuỗi cung ứng trong nước thay đổi, vấn đề mất lao động, tuyển dụng lại lao động… đều làm tăng chi phí đầu tư, từ đó làm giảm triển vọng của nhà đầu tư.

Có hay không sự rút lui dòng vốn FDI khỏi Việt Nam? - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài phản ảnh sự khó khăn khi triển khai mô hình sản xuất "3 tại chỗ"

"Mô hình "3 tại chỗ" đã tỏ ra hữu ích như một cơ chế tạm thời nhưng không có tính bền vững để đảm bảo sức khoẻ an toàn, chi phí", bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam cho biết.

Trong khi đó theo ông Mizushima Kozo - Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Nhật bản, rất nhiều thanh viên của Hiệp hội đã phải dừng hoạt động. Doanh nghiệp dù có duy trì sản xuất được thì với tình trạng hoạt động trên quy tắc 3 tại chỗ thì chỉ sản xuất được 10 - 50% công suất vốn.

Đầu tư FDI không phải là câu chuyện ngày 1, ngày 2

Theo ông Trần Toàn Thắng, cạnh tranh thu hút vốn FDI tại châu Á đang ở mức cao. Với đặc điểm dòng vốn đổ vào các lĩnh vực lắp ráp nhiều hơn, tận dụng lao động giá rẻ, ưu đãi tài chính, cũng như tận dụng kiểm soát môi trường kém… không phải là không có khả năng xảy ra việc dòng vốn FDI rời khỏi Việt Nam.

"Các doanh nghiệp FDI chỉ cần 6 tháng đến 1 năm là có thể xây dựng được nhà máy và vận hành. Cũng trong khoảng thời gian này họ có thể dịch chuyển ra", ông Thắng nhấn mạnh.

Sự kiện và bình luận - Duy trì niềm tin của các nhà đầu tư

Tuy nhiên theo ông Thắng, hiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam trước mắt có một số tích cực giúp giữ chân được doanh nghiệp.

Thứ nhất các hiệp định FDI cho phép các đoàn nghiệp nhập khẩu được linh kiện rẻ hơn, tiếp cận thị trường xuất khẩu tốt hơn… Thứ hai lao động giá rẻ và năng xuất lao động đang được cải thiện.

Về lâu dài yếu tố quyết định việc giữ chân doanh nghiệp FDI đấy là câu chuyện liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, cũng như mạng lưới của doanh nghiệp FDI ở trong nước.

“Nếu Việt Nam xây dựng tốt mối ràng buộc giữa các nhà đầu tư với các doanh nghiệp FDI thì cơ hội thu hút và giữ chân doanh nghiệp sẽ tốt hơn”, ông Trần Toàn Thắng đánh giá.

Chúng tôi hiểu rõ rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư lý tưởng. Giá trị thương hiệu của Việt Nam trong năm ngoái tăng 9 bậc. Đây là một kết quả ấn tượng. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp chế tạo điện tử Đài Loan (Trung Quốc) đã và đang đầu tư tại Việt Nam

Ông Thạch Thụy Kỳ - Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế Văn hoá Đài Bắc (Trung Quốc) tại Việt Nam

Trả lời phỏng vấn của VTV, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc sở kế hoạch đầu tư TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, thành phố đã thực hiện và chuẩn bị một số giải pháp để sẵn sàng đón các nhà đầu tư quay trở lại.

"TP Hồ Chí Minh đã đưa ra những giải pháp trong 6 tháng cuối năm nhằm thu hút FDI đạt kết quả tốt nhất trong đó có những giải pháp trước mắt như thực hiện các dịch vụ công cấp độ 4 ngay cả trong thời gian giãn cách để không làm gián đoạn việc giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp; kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến, qua bưu điện để tránh lây lan và chuẩn bị các giải pháp sẵn sàng đón các nhà đầu tư quay trở lại. 

Về dài hạn, thành phố kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, để đảm bảo thực hiện 4 chương trình đột phá của thành phố, ưu tiên các nhà đầu tư mạnh về tài chính, ứng dụng công nghệ mới; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng", ông Đào Minh Chánh cho hay.

Có hay không sự rút lui dòng vốn FDI khỏi Việt Nam? - Ảnh 6.

Đầu tư FDI là câu chuyện mang tính dài hạn và Việt Nam vẫn đang có nhiều lợi thế trong việc thu hút và giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài

Trong đầu tư kinh doanh, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, đó là câu chuyện dài hạn, nghiên cứu thị trường chứ không phải ngày 1, ngày 2. Những thành quả chống dịch qua 3 đợt bùng phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam… tiếp tục là điểm tựa cho nhà đầu tư. 

Thống kê 8 tháng, vốn FDI đăng ký mới đạt trên 11 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ và vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 5 tỷ USD, tăng 2,3%.

Theo Báo cáo vừa được công bố về Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, Việt Nam lọt top 20 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới. Điều này cho thấy điểm đến vững chắc để các nhà đầu tư tự tin với từng đồng vốn của mình.

Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực vì chúng ta cũng liên kết, hội nhập quốc tế nhiều hơn qua những Hiệp định thương mại mà chúng ta đã kí kết và tham gia. Việt Nam cũng có vị trí địa lý rất thuận lợi

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu EuroCham tại Việt Nam.

Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn rằng… COVID-19 ngày càng ảnh hưởng nặng nề tới sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài, nên đòi hỏi phải khẩn trương nắm bắt tình hình để có giải pháp thu hút và giữ vững dòng vốn đầu tư này. Việc hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài là việc cần làm để cùng đồng hành vượt qua những khó khăn hiện nay cũng như về lâu dài.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước