RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Bộ Công Thương đã đưa ra nhận định trên sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37 diễn ra trong tuần qua tại Việt Nam.
Theo đó, cơ hội mở rộng đến 14 thị trường RCEP. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể đáp ứng các điều kiện về xuất xứ một cách dễ dàng để hưởng thuế suất ưu đãi, đặc biệt với các FTA song phương, đa phương lớn.
Bên cạnh đó, RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của Việt Nam hàng năm vượt 30 tỷ USD.
Tha gia RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể đáp ứng các điều kiện về xuất xứ một cách dễ dàng. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Hiện Việt Nam vẫn đang nhập siêu nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp quan trọng như: điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô... từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Mặc dù các thông tin chi tiết về Hiệp định RCEP vẫn chưa được công bố, tuy nhiên, theo tuyên bố chung của ASEAN, RCEP đưa đến thỏa thuận sẽ loại bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với 65% hàng hóa giao dịch trong khu vực. Trong khi đó, các thuế quan và hạn chế khác sẽ được tự do hóa trong vòng 20 năm tới, bao gồm trên 90% thương mại trong khối (mặc dù vẫn duy trì một số loại thuế đối với các sản phẩm nhạy cảm, ví dụ như thịt bò và gạo nhập khẩu vào Nhật Bản).
Đặc biệt, RCEP thiết lập một khuôn khổ quy tắc xuất xứ chung, cho phép những nhà xuất khẩu trong các nền kinh tế RCEP sử dụng đầu vào có nguồn gốc từ các thành viên khác để đủ điều kiện tiếp cận ưu đãi khi giao dịch trong khối.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!