Hiệp định RCEP ý nghĩa thế nào với Việt Nam?

Anh Quang-Thứ hai, ngày 16/11/2020 09:59 GMT+7

VTV.vn - Hiệp định RCEP chủ yếu mang lại lợi ích cho thương mại hàng hóa vì các nước sẽ giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng.

Sau 4 ngày làm việc liên tục, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan đã bế mạc ngày 15/11 và khép lại chuỗi sự kiện bằng lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). 

Đây được xem là thông điệp mạnh mẽ khẳng định sự ủng hộ của ASEAN đối với hệ thống thương mại đa phương và sẽ là đóng góp quan trọng cho quá trình phục hồi sau dịch bệnh ở khu vực.

Hiệp định RCEP ý nghĩa thế nào với Việt Nam? - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và các nước tham dự lễ ký. Ảnh: TTXVN.

Hợp tác đa phương được xem là một trong những sức mạnh cốt lõi của ASEAN trong suốt hơn 50 hình thành và phát triển. Lần đầu tiên ASEAN thể hiện vai trò dẫn dắt trong mối liên kết kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc xây dựng một FTA với 5 đối tác lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Qua đó hình thành một khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới với 2,2 tỷ người tiêu dùng và chiếm gần gần 30% GDP toàn cầu.

Theo ước tính, Hiệp định RCEP sẽ tạo ra mức tăng GDP thực tế khoảng 137 tỷ USD trong dài hạn. Hiện Ấn Độ - một trong những thành viên ban đầu của hiệp định vẫn chưa quyết định có tiếp tục tham gia RCEP nữa hay không.

"Nếu Ấn Độ chưa tham gia được ngay, RCEP vẫn là một khuôn khổ kinh tế lớn nhất trên thế giới, tạo điều kiện cho ASEAN có một không gian phát triển chưa từng có và nâng được vai trò của ASEAN", Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho hay.

Hiệp định RCEP ý nghĩa thế nào với Việt Nam? - Ảnh 2.

Việc ký kết được RCEP sẽ tạo nên một sức bật mới, một cú hích mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực, đặc biệt là các nước tham gia ký kết. Ảnh: VGP.

Theo đánh giá, Hiệp định RCEP chủ yếu mang lại lợi ích cho thương mại hàng hóa vì các nước sẽ giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng trước đây khi phải chuẩn bị để xuất hàng sang mỗi nước đối tác, giờ doanh nghiệp chỉ cần phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ duy nhất.

Việc ký RCEP sau 8 năm đàm phán là một nỗ lực lớn của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

"Phải nói rằng, Việt Nam đã rất nỗ lực để mọi kế hoạch, ưu tiên của ASEAN đề ra đều hoàn thành, trong đó có lễ ký RCEP. Hiệp định sẽ là một trong những động lực tăng trưởng mới giúp thúc đẩy khôi phục kinh tế của ASEAN sau đại dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư, thương mại và du lịch trong khu vực", ông Thongphane Savanphet - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Lào nói.

Một không gian kinh tế mới đang được hình thành. Hiệp định RCEP sẽ là lời cam kết mở cửa mạnh mẽ, chống lại xu hướng bảo hộ thương mại của ASEAN và các đối tác thương mại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước